MH370 – chiếc máy bay Boeing 777 của Malaysia Airlines, dài gần bằng một khu phố ở Manhattan, Mỹ và cao hơn một tòa nhà 5 tầng – mất tích bí ẩn năm 2014. Có 239 người trên máy bay mất tích.
Các nhà tìm kiếm MH370 đã rà soát một số đáy đại dương sâu nhất ở phía nam Ấn Độ Dương và không tìm thấy bất kỳ dấu vết nào của thân máy bay, hành khách và phi hành đoàn. Trong số 3 triệu thành phần của chiếc Boeing 777, chỉ có một số mảnh vỡ trôi dạt vào bờ biển phía đông châu Phi nhiều năm sau đó.
Không cuộc gọi khẩn cấp, không đường bay rõ ràng và không có xác máy bay, MH370 mất tích cho tới nay vẫn là bí ẩn lớn nhất của ngành hàng không hiện đại.
Theo Bloomberg, 10 năm trôi qua, các nhà điều tra hiểu rõ một điều: Không một chiếc máy bay nào được phép mất tích tương tự như MH370 nữa.
Tuy nhiên, nỗ lực của toàn ngành nhằm ngăn chặn một vụ máy bay mất tích tương tự đã vấp phải nhiều trở ngại, trong đó có bộ máy quan liêu, sức ép tài chính…
Công cụ theo dõi máy bay mà chính quyền Malaysia đề xuất vài tuần sau khi MH370 mất tích tới nay vẫn chưa được triển khai.
Lớp quy định an toàn bổ sung do Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) trong đó đề xuất máy bay mới thông báo vị trí ít nhất mỗi phút nếu máy bay gặp sự cố. Nếu sau đó máy bay gặp nạn, ít nhất đội cứu hộ sẽ có cơ hội xác định được vị trí máy bay rơi.
Tuy nhiên, “quy tắc theo dõi 1 phút” bị trì hoãn 2 lần. Ban đầu dự kiến có hiệu lực tháng 1.2021 nhưng hiện tại dự kiến có hiệu lực từ tháng 1.2025.
Bloomberg News đã hỏi hơn 10 hãng hàng không lớn khắp Mỹ, châu Âu, Trung Đông và châu Á về số lượng máy bay trong đội bay của họ đáp ứng được yêu cầu của ICAO. Tại các hãng hàng không phản hồi khảo sát, rất ít máy bay tuân thủ. Ví dụ, Air France – có hơn 250 máy bay tính đến tháng 9.2023 – cho biết, có 7 máy bay Airbus SE A350 tuân thủ tiêu chuẩn. Korean Air Lines cho biết, 3 trong số 159 máy bay của hãng được trang bị thiết bị theo dõi.
Ngoài trì hoãn nhiều năm, tiêu chuẩn theo dõi này chỉ áp dụng cho máy bay mới. Tính đến 2023, chưa có yêu cầu cài đặt công nghệ theo dõi này với hơn 20.000 máy bay cũ đang hoạt động. Điều đó có nghĩa là hàng chục năm sau khi MH370 mất tích, hàng nghìn máy bay sẽ bay trong nhiều thập kỷ, chở hàng triệu hành khách trên khắp thế giới mà không có thiết bị theo dõi.
Vai trò của cơ trưởng Zaharie Ahmad Shah trong vụ máy bay MH370 mất tích năm 2014 luôn được chú ý đặc biệt.
MH370 bay lệch khỏi lộ trình dự kiến, bay về phía nam trong khoảng 6 giờ và có thể rơi xuống Ấn Độ Dương khi hết nhiên liệu.
Bản đồ sơ bộ lộ trình của MH370 được lập ra bằng cách nghiên cứu các kết nối mỗi giờ của máy bay này với một vệ tinh cách Trái đất 36.000km. Do đó, khu vực nghi là nơi an nghỉ cuối cùng của MH370 rất lớn.
Đội quốc tế tìm kiếm MH370 đã khảo sát 710.000km2 đáy biển và kết thúc tìm kiếm năm 2017. Cuộc tìm kiếm mới trong năm 2018 do Công ty Ocean Infinity thực hiện cũng không thành công.
Trong báo cáo cuối cùng về MH370, các nhà điều tra nhận định, có khả năng có người tắt hệ thống liên lạc của máy bay. Nhóm điều tra “không thể xác định nguyên nhân thực sự dẫn đến sự biến mất của MH370”, báo cáo nêu rõ.
Joe Hattley – chuyên gia về tai nạn hàng không người Australia, thành viên nhóm điều tra quốc tế tại Malaysia sau khi MH370 mất tích – cho biết, bí ẩn vẫn đeo bám ông dù đã 10 năm trôi qua. Máy bay mất tích có những dấu hiệu là hành động có chủ ý nhưng thiếu bằng chứng để kết luận khiến ông thất vọng.
“Tôi nghĩ về MH370 mỗi ngày. Là điều tra viên tai nạn, công việc của chúng tôi là trả lời các câu hỏi, đưa ra câu trả lời cho gia đình, bạn bè và người thân cũng như nỗ lực cải thiện an toàn. Chúng tôi vẫn chưa thể làm được điều đó” – ông nói.