
6 quốc gia ven Biển Bắc – Bỉ, Anh, Đan Mạch, Đức, Na Uy và Hà Lan – đã ký tuyên bố chung cho phép chia sẻ thông tin, Reuters đưa tin.
Andrew Bowie – Bộ trưởng Năng lượng hạt nhân và Năng lượng tái tạo của Anh – cho hay: “Biển Bắc là động lực thúc đẩy tham vọng tái tạo và phát thải ròng bằng 0 của châu Âu, giúp tăng cường an ninh năng lượng trên lục địa. Vì vậy, điều quan trọng là chúng ta phải bảo vệ cơ sở hạ tầng năng lượng quan trọng của mình ở hiện tại và trong tương lai”.
Ông nói thêm, việc tăng cường mối quan hệ với các nước láng giềng quan trọng ở Bắc Âu theo thỏa thuận vừa ký kết sẽ giúp đảm bảo cơ sở hạ tầng có khả năng phục hồi trước những vụ đe dọa phá hoại hoặc bị phá hoại.
Cũng thông tin về việc 6 quốc gia giáp Biển Bắc ký thỏa thuận quan trọng để bảo vệ cơ sở hạ tầng dưới nước khỏi sự phá hoại và tấn công của nước ngoài, Politico dẫn lời Bộ trưởng Bộ Khí hậu, Năng lượng và Tiện ích Đan Mạch cho biết, Biển Bắc đang trở thành trung tâm về cơ sở hạ tầng quan trọng, kết nối các nước châu Âu thông qua cáp điện, đường ống dẫn khí và tuyến cáp viễn thông.
“Điều này có nghĩa là sự phụ thuộc lẫn nhau xuyên biên giới ngày càng tăng, cùng với đó là nguy cơ phá hoại và sự chú ý không mong muốn từ các tác nhân thù địch ngày càng tăng” – Bộ Khí hậu, Năng lượng và Tiện ích Đan Mạch lưu ý.

Các mối đe dọa với dây cáp và đường ống dẫn khí dưới biển đã trở thành trọng tâm an ninh với các nước Tây Âu sau vụ nổ tháng 9.2022 trên đường ống dẫn khí Nord Stream và Nord Stream 2 dùng để vận chuyển khí đốt Nga tới Đức qua biển Baltic.
Sau đó, tháng 10.2023, đường ống dẫn khí Balticconnector nối Phần Lan và Estonia ở Biển Baltic cũng bị hư hỏng trong một sự cố khác, làm tăng thêm cảnh báo về các cuộc tấn công và phá hoại dưới nước.
Theo Bộ Khí hậu, Năng lượng và Tiện ích Đan Mạch, trong khuôn khổ thỏa thuận an ninh Biển Bắc, các nước Bắc Âu sẽ xem xét những biện pháp bảo vệ và an ninh hiện tại, chia sẻ thông tin và kiến thức cũng như báo cáo thông tin liên quan ở cấp độ hoạt động.
Na Uy cho biết, thỏa thuận này chủ yếu tập trung vào “khả năng phục hồi và phòng ngừa” cũng như “bổ sung cho công việc của NATO”. Bộ trưởng Bộ Năng lượng Na Uy Terje Aasland nhấn mạnh: “Tuyên bố chung này là nền tảng quan trọng để đảm bảo an ninh và là ví dụ rõ ràng về các mục tiêu chung của chúng tôi. Cùng nhau, chúng tôi sẽ mạnh mẽ hơn”.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp và Biển Bắc của Bỉ Paul Van Tigchelt chỉ ra, thỏa thuận mới sẽ đảm bảo “cơ sở hạ tầng ngoài khơi và dưới nước được đảm bảo ở mức độ của an ninh xuyên biên giới” thay vì thay đổi “theo từng quốc gia”.
“Chúng tôi cam kết thực hiện cách tiếp cận thống nhất, trao đổi thông tin và báo cáo sự cố tốt hơn thông qua một nền tảng an toàn” – ông nói.