“Không thể đào một cái hố rồi để đó năm này qua tháng nọ”
Tại buổi tọa đàm với chủ đề “Tháo điểm nghẽn giải ngân đầu tư công” trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2024 do báo Người Lao Động tổ chức sáng 15-8, TS Trần Du Lịch cho rằng trong các đô thị, yếu tố thời gian, tiến độ xây dựng hết sức quan trọng.
Với công trình giao thông, ông Lịch cho rằng các bên “đấu nhau” về giá mà “quên” yếu tố thời gian, kéo dây kéo dưa, sau đó điều chỉnh nhiều lần và nâng giá.
Lấy ví dụ ở nước ngoài, ông Lịch cho hay một công trình ở trung tâm thành phố có chiều cao dưới 6 tầng không được xây quá 6 tháng, bất kể đó là công trình công hay tư bởi công trình sẽ “ảnh hưởng ghê gớm” đến người dân xung quanh.
“Không thể có chuyện khi làm một con đường, anh đào một cái hố rồi để đó từ năm nọ qua năm kia được, không thể nào được bởi nó ảnh hưởng đến trật tự công cộng, đi lại và làm khổ người khác ghê lắm”, ông Lịch nhấn mạnh.
Theo ông Lịch, trong việc quản lý đô thị, việc nước ngoài tính mốc thời gian 6 tháng bởi họ đã tính kỹ về mặt kỹ thuật, làm bao nhiêu ca, bao nhiêu người để hoàn thành trong khoảng thời gian này.
Do đó, ông Lịch cho rằng những kinh nghiệm quản lý đô thị này cần được rút ra để xây dựng kỷ cương xây dựng, đảm bảo về mặt thời gian đối với những công trình ảnh hưởng chung, không thể nào dây dưa, gây ảnh hưởng chung, ảnh hưởng đến người dân.
Đối với TP.HCM, ông Lịch nhận định TP có nghị quyết 98 với những cơ chế đặc thù, do đó TP nên nghiên cứu, theo thẩm quyền để ban hành một số quy định đặc biệt trong trật tự xây dựng để đồng bộ, triển khai các dự án.
Giải ngân đầu tư ở TP.HCM lại chậm
Vấn đề nóng được các đại biểu thảo luận sôi nổi đó là câu chuyện giải ngân đầu tư công tại TP.HCM năm nay lại chậm dù năm 2023 đã có giai đoạn TP phải phát động “thi đua”.
TS Nguyễn Quốc Việt – phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (ĐH Quốc gia Hà Nội) – cho rằng có nhiều điểm nghẽn về giải ngân vốn đầu tư công cho thấy hầu hết địa phương đều chưa đạt, nhất là TP.HCM chỉ 15% là quá thấp so với mặt bằng chung khoảng 30%.
Ông Nguyễn Ngọc Hòa – chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA), chủ tịch HĐTV Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP.HCM (HFIC) – cho rằng giải ngân nhanh cho các dự án đầu tư công thì doanh nghiệp có việc làm nên đây là vấn đề mà các doanh nghiệp rất nóng ruột.
Ông Hòa cho rằng nghị quyết 98 hiện chỉ ở bước thăm dò, chưa tháo gỡ mạnh mẽ, do đó cần phân cấp phân quyền rõ ràng để TP.HCM bật lên giải quyết vấn đề hiệu quả, đồng thời TP cũng cần có sự khẩn trương, quyết liệt hơn, mạnh dạn vận dụng nghị quyết 98 để giải quyết những vấn đề hiện tại.
Ngoài ra, ông Hòa cho hay các dự án đầu tư công đều do Nhà nước, sở ngành hay một ban quản lý dự án thực hiện, các dự án thừa tiền nhưng lại nghẽn thủ tục.
Do đó ông Hòa đề xuất liệu rằng có thể mạnh dạn thay đổi hướng tiếp cận để xã hội hóa trong đầu tư công giúp gỡ các điểm nghẽn, thay vì Nhà nước làm thì để tư nhân làm từ A đến Z.
“Ví dụ làm một con đường, để đầu tư công làm, rút tiền từ kho bạc ra chi sẽ tốn rất nhiều quy trình, thủ tục. Bây giờ giao con đường đó để xã hội làm, giao thời gian, nghiệm thu xong rồi thì Nhà nước bỏ tiền ra mua lại dự án đó. Liệu cách tiếp cận cho tư nhân, cho xã hội làm có làm cho công việc trôi chảy, nhanh hơn được hay không?”, ông Hòa đặt vấn đề.