Chỉ số Rủi ro Thế giới (WRI) 2023 đưa Philippines lên vị trí đầu tiên trong số quốc gia chịu nhiều thiên tai nhất thế giới, tiếp theo là Indonesia và Ấn Độ.
Theo báo cáo, Philippines, quốc gia Đông Nam Á, đứng đầu danh sách có rủi ro thiên tai cao nhất trên toàn thế giới với điểm 46,86/100 WRI, trong khi Indonesia và Ấn Độ lần lượt ở mức 43,5 và 41,52 WRI. Việt Nam đứng thứ 15 với 24,39 điểm WRI.
Ngược lại, Andorra và Monaco có rủi ro thiên tai thấp nhất trên toàn thế giới trong năm 2023, với WRI lần lượt là 0,22 và 0,24.
Philippines là một trong những quốc gia hứng chịu nhiều thiên tai nhất trên thế giới. Nằm dọc theo vành đai lửa Thái Bình Dương, Philippines rất dễ gặp rủi ro địa chấn và núi lửa. Trung bình mỗi năm quốc gia Đông Nam Á này hứng chịu 20 cơn bão, trong đó có nhiều cơn bão mạnh với sức tàn phá lớn.
Theo Chỉ số Rủi ro Thế giới năm 2022, Philippines cũng đứng đầu trong số những quốc gia dễ xảy ra thiên tai nhất thế giới.
Cục Quản lý Thiên văn, Địa vật lý và Khí quyển Philippines (PASAGA) dự báo, Philippines có khả năng hứng chịu nhiều bão hơn trong năm 2024 so với năm ngoái do khả năng hiện tượng La Nina quay trở lại.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Renato Solidum lưu ý, do vùng nước ấm gần Philippines hơn trong thời kỳ La Nina nên bão có thể đổ bộ vào đất liền nhanh hơn. “Điều đó có nghĩa là thời gian ứng phó sẽ ngắn hơn. Đối với những cơn bão gần đất liền, sẽ có ít thời gian chuẩn bị hơn” – ông Solidum nói.
Trong khi đó, Indonesia – nằm trên Vành đai lửa Thái Bình Dương – là một trong những quốc gia có nhiều núi lửa nhất thế giới.
Chỉ số Rủi ro Thế giới xếp hạng 193 quốc gia và vùng lãnh thổ về mức độ rủi ro thiên tai hoặc mức độ dễ bị tổn thương trước các hiện tượng thời tiết cực đoan như bão, động đất, sóng thần, lũ lụt và hạn hán.
Kể từ khi thế kỷ này bắt đầu, thiên tai đã trở nên thường xuyên hơn. Mỗi năm kể từ năm 2013 đã ghi nhận hơn 400 sự kiện. Năm 2022, có 421 thảm họa được báo cáo trên toàn thế giới, tăng 23% so với năm 2000.
Các hiện tượng liên quan đến khí hậu phổ biến hơn các hiện tượng địa vật lý (động đất, núi lửa phun trào), chiếm gần 80% tổng số thiên tai vào năm 2022. Xu hướng này liên tục gia tăng có thể chủ yếu liên quan đến biến đổi khí hậu và tác động của nó đến các kiểu và hiện tượng thời tiết.
Trận động đất và sóng thần tấn công Nhật Bản vào tháng 3 năm 2011 là thảm họa thiên nhiên gây thiệt hại nặng nề nhất trên thế giới kể từ năm 1980, với thiệt hại lên tới 210 tỉ USD. Trận động đất Kobe ở Nhật Bản năm 1995 và trận động đất Tứ Xuyên ở Trung Quốc năm 2000 cũng được xếp hạng trong số những thảm họa gây thiệt hại nặng nề nhất trong nhiều thập kỷ qua.
Ngoài động đất, bão cũng có xu hướng để lại tác động kinh tế đáng kể ở nơi chúng tấn công. Bảy trong số mười thảm họa thiên nhiên lớn nhất, dựa trên thiệt hại kinh tế, là bão, trong đó bão Katrina đổ bộ vào bờ biển Mỹ vào năm 2005, là thảm họa gây thiệt hại nặng nề nhất.