Yên Nhật xuống đáy vì thiếu tín hiệu rõ ràng từ nhà điều hành tiền tệ
Đồng Yên Nhật tiếp tục suy giảm so với các tiền tệ khác trong phiên giao dịch đầu tuần sau khi cuộc họp chính sách của Ngân hàng Nhật Bản (BOJ) chưa thỏa mãn kỳ vọng thông tin của thị trường. Áp lực mất giá còn đến từ lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm của Mỹ tăng lên khi thị trường đang chờ đợi thêm manh mối về số liệu lạm phát trong tương lai.
Đúng như dự đoán, BOJ đã bỏ phiếu giữ nguyên lãi suất ở mức 0,1% và giữ chính sách tiền tệ không thay đổi. BOJ duy trì kế hoạch mua trái phiếu chính phủ hiện tại với tốc độ 6 nghìn tỉ Yên, tương đương 38 tỉ USD mỗi tháng và sẽ giảm quy mô này trong cuộc họp tháng 7. BOJ cũng không cho thấy bất kỳ tín hiệu nào về việc sẽ tiếp tục tăng lãi suất ngắn hạn lên mức thị trường không thể kiểm soát. Trước cuộc họp, một số nhà phân tích đã kỳ vọng cơ quan này sẽ đưa ra những tín hiệu rõ ràng hơn thay vì chỉ nói chung chung như vậy.
Cựu thành viên hội đồng quản trị BOJ – ông Makoto Sakurai – dự báo BOJ có thể sẽ không tăng lãi suất vào tháng 7 và chờ đợi những tín hiệu rõ ràng hơn về liệu các khoản trợ cấp mùa hè và tăng lương có thể giúp tiêu dùng phục hồi tốt hơn không.
“BOJ có lẽ không vội tăng lãi suất trong ngắn hạn vì làm như vậy sẽ đẩy lãi suất cho vay thế chấp lên cao và làm ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư nhà ở vốn đã yếu kém. Nếu tình hình kinh tế và giá cả diễn biến phù hợp với dự báo, ngân hàng trung ương này có thể tăng lãi suất lên 0,5% vào cuối năm tới” – ông nói.
Kinh tế trưởng Katsuhiro Oshima của công ty Mitsubishi UFJ Morgan Stanley Securities cho rằng, có lẽ BOJ đang muốn dọn đường để việc cắt giảm chương trình mua trái phiếu không gây ra những sửng sốt.
Theo cựu thành viên hội đồng BOJ Takahide Kiuchi, sự mất giá của đồng Yên không chỉ giới hạn ở đồng USD mà còn lan sang các loại tiền tệ khác bao gồm đồng Euro. Nguyên nhân là BOJ đã miễn cưỡng tăng lãi suất bất chấp áp lực lạm phát toàn cầu và không ngăn nổi sự lao dốc của đồng tiền quốc gia mình.
Nền kinh tế chậm lại vì đồng tiền mất giá
Đồng tiền của Nhật Bản ngày một yếu đi đã trở thành vấn đề đau đầu đối với các nhà hoạch định chính sách do giá nhập khẩu tăng cao, từ đó làm tăng chi phí sinh hoạt và gây tổn hại đến hoạt động tiêu dùng. Về mặt tích cực, du lịch đã hưởng lợi.
Các nhà xuất khẩu, chiếm hơn một nửa chỉ số chứng khoán Topix của Nhật Bản, đã chứng kiến lợi nhuận tăng vọt. Bank of America ước tính rằng cứ mỗi Yên tăng thêm so với USD trong tỷ giá hối đoái có thể thúc đẩy lợi nhuận hoạt động của các công ty trong Topix 500, theo dõi các công ty lớn nhất Nhật Bản, thêm 0,5%.
Ngược lại, GDP của Nhật Bản trong quý I/2024 giảm 0,5% so với quý liền trước và 2% so với cùng kỳ năm trước. Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự báo GDP danh nghĩa của Nhật Bản sẽ bị Ấn Độ vượt qua và tụt từ vị trí thứ 4 thế giới xuống vị trí thứ 5 vào năm tới.
Chứng khoán Nhật Bản đã giảm hơn 6% vào cuối tháng 5 khi các nhà đầu tư toàn cầu chuyển vốn từ Nhật Bản sang các thị trường khác, bao gồm Hồng Kông (Trung Quốc) và Trung Quốc đại lục. Đồng tiền yếu đi còn “đánh” thẳng vào chi tiêu của người dân khi tiêu dùng cá nhân và chi tiêu vốn suy giảm do chi phí nhập khẩu tăng lên.