Nga có thể khắc phục các vấn đề phát sinh từ các lệnh trừng phạt của phương Tây bằng cách sử dụng những định dạng đa phương, như BRICS và Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) – RT dẫn lời Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, người có chuyến thăm hai ngày tới Trung Quốc, cho biết.
BRICS ban đầu gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, đã kết nạp thêm Ethiopia, Iran, Ai Cập, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) vào đầu năm nay và dự kiến sẽ có thêm nhiều quốc gia nữa trong tương lai.
Ảnh hưởng chính trị và kinh tế của BRICS đã tăng lên đáng kể kể từ khi Mỹ, EU và các nước phương Tây khác áp đặt những hạn chế khắc nghiệt đối với Nga sau khi bắt đầu cuộc xung đột Ukraina vào năm 2022. Không thành viên BRICS nào tham gia chiến dịch trừng phạt của phương Tây, ngược lại đã và đang tiếp tục đẩy mạnh thương mại với Nga.
Phát biểu tại cuộc họp báo sau cuộc gặp với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị ngày 9.4, nhà ngoại giao hàng đầu của Nga cho biết người đồng cấp của ông đã đưa ra công thức để hủy bỏ hiệu lực của các lệnh trừng phạt.
“Đồng nghiệp của tôi đã nói chi tiết về những khoảng trống kinh tế xuất hiện do chính sách trừng phạt đơn phương bất hợp pháp và chúng tôi sẽ giải quyết trong khuôn khổ BRICS và SCO” – ông Lavrov nói.
Để đối phó với các lệnh trừng phạt của phương Tây, Nga đã đa dạng hóa hoạt động ngoại thương sang thị trường châu Á – Thái Bình Dương, trong đó Trung Quốc nổi lên như một nước đóng vai trò chủ chốt. Theo dữ liệu hải quan Trung Quốc, năm ngoái, thương mại Nga-Trung đã tăng lên mức kỷ lục 240 tỉ USD, vượt mục tiêu 200 tỉ USD mà chính phủ hai nước đặt ra.
Ngày 8.4, trong chuyến đi kéo dài nhiều ngày tới Bắc Kinh trùng với chuyến thăm của ông Lavrov, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cảnh báo các công ty Trung Quốc sẽ phải chịu “những hậu quả đáng kể” nếu cung cấp linh kiện hoặc thiết bị cho quân đội Nga.
Tháng 12 năm ngoái, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký một sắc lệnh hành pháp cho phép trừng phạt các tổ chức nước ngoài tiếp tục giao dịch với Nga. Sắc lệnh này nhắm vào các công ty bên ngoài Mỹ và EU mà Mỹ tin rằng sẽ cung cấp cho Nga các mặt hàng nhạy cảm, được cho là bao gồm chất bán dẫn, công cụ máy móc, tiền chất hóa học, vòng bi và hệ thống quang học.
Các lệnh trừng phạt do Mỹ dẫn đầu nhắm vào các thực thể không phải của Nga được thiết kế để ngăn chặn các công ty trên khắp thế giới giúp Mátxcơva lách các hạn chế của phương Tây được áp dụng trong các gói trừng phạt trước đó.
Nga chỉ trích toàn bộ chính sách trừng phạt, đồng thời lưu ý rằng trừng phạt không gây bất ổn cho nền kinh tế Nga mà thay vào đó đã phản tác dụng đối với các quốc gia áp đặt chúng.