Đến lúc cần nâng tầm chất lượng tư vấn bảo hiểm nhân thọ
Tại diễn đàn “Hoạch định tài chính cá nhân 2024 – Giải pháp nâng cao chất lượng nhân sự của ngành bảo hiểm nhân thọ” diễn ra hôm nay (15.6), TS Lê Minh Nghĩa – Chủ tịch Hiệp hội tư vấn tài chính Việt Nam (VFCA) – nhấn mạnh, thực tế hiện nay cần phải nghiêm túc nhìn nhận phần đông chất lượng dịch vụ tư vấn tài chính trong ngành bảo hiểm nhân thọ. Dù có cải thiện đáng kể nhưng vẫn còn rất nhiều điểm trừ trong mắt người dân.
“Lượng lớn người tư vấn chỉ xem đây là công việc ngắn hạn, tận dụng tối đa các mối quan hệ để bán bằng được hợp đồng, hoặc không đủ năng lực đánh giá tài chính và bán các hợp đồng giá trị quá lớn hoặc sản phẩm không phù hợp dẫn đến khách hàng không thể theo hợp đồng khi gặp các áp lực tài chính… Bên cạnh đó, cần phải nhìn nhận các chương trình đào tạo người tư vấn tài chính hiện nay giải quyết về mặt kỹ năng là chính, chưa đảm bảo đủ chất lượng theo thông lệ quốc tế trong khi thị trường bảo hiểm đang phát triển nhanh chóng trong vài năm trước 2022” – TS. Lê Minh Nghĩa cho biết.
Theo ông, nguyên nhân liên quan đến trách nhiệm của 4 bên là cơ quan quản lý nhà nước, các hãng bảo hiểm, người hành nghề tư vấn bảo hiểm nhân thọ và dân trí tài chính. Để khơi thông dòng chảy cho các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ của các hãng bảo hiểm đến được với cá nhân thụ hưởng, thúc đẩy xã hội phát triển văn minh và bền vững, Chủ tịch VFCA cho rằng, đã đến lúc câu chuyện nâng tầm chất lượng tư vấn bảo hiểm nhân thọ đến đúng chuẩn cho khách hàng cần phải được thảo luận và tìm giải pháp tháo gỡ một cách căn cơ và đồng bộ.
Thực tế theo Ths Ngô Thành Huấn – Giám đốc điều hành CTCP Tư vấn đầu tư và Quản lý tài sản FIDT, ngành bảo hiểm nhân thọ trên thế giới cơ bản được chia thành 3 giai đoạn với phương thức và chất lượng tư vấn được nâng cấp khác nhau: Thuần sản phẩm – Bán sản phẩm có tư vấn tài chính – Bảo hiểm được phân phối từ các nhà hoạch định tài chính cá nhân chuyên nghiệp.
Việt Nam được các định chế bảo hiểm hàng đầu thế giới như Prudential xếp vào giai đoạn 2 kể từ 2021. So với Singapore hay Đài Loan (Trung Quốc) đã vào giai đoạn 2 trong vài chục năm qua. Sau cùng, giai đoạn 3 – bảo hiểm được phân phối từ các nhà hoạch định tài chính cá nhân chuyên nghiệp (tiếng Anh là Financial Planner), các cường quốc như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản… đang trong giai đoạn này.
Tư vấn viên bảo hiểm cần nâng cao kiến thức toàn diện
Từ góc độ cơ quan quản lý, ông Đào Trung Kiên – Phó viện trưởng Viện phát triển bảo hiểm Việt Nam (Cục quản lý giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính) – cho hay, các tư vấn viên không chỉ cần nâng cao kiến thức chuyên môn về bảo hiểm mà còn cần mở rộng hiểu biết toàn diện về đầu tư, tín dụng, thuế và hưu trí để đưa ra những tư vấn chính xác, phù hợp với tình hình tài chính và nhu cầu thực tế của khách hàng.
Ông Kiên thông tin, Bộ Tài chính đang tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm pháp luật để răn đe, tăng tính tuân thủ của các doanh nghiệp. Thiết lập đường dây nóng tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân về lĩnh vực bảo hiểm.
Mặt khác, Bộ Tài chính cũng phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan trong việc giám sát hoạt động các đại lý bảo hiểm, đặc biệt các đại lý bảo hiểm là các ngân hàng để đảm bảo kênh phân phối này phát triển lành mạnh, đúng hướng, trong đó có ký kết quy chế phối hợp công tác giữa Bộ Tài chính (Cục Quản lý Giám sát Bảo hiểm) và Ngân hàng Nhà nước.