Đến “mùa” cò lúa
Trên những cánh đồng gieo sạ sớm đang chuẩn bị bước vào giai đoạn thu hoạch vụ lúa hè thu 2024, những ngày này cò lúa, thương lái lại rộn ràng tìm đến nông dân đặt cọc.
Dự kiến còn khoảng 2 tuần nữa sẽ tiến hành thu hoạch 6 công ruộng, giống lúa Đài Thơm 8 nhưng hiện cò lúa đã tìm đến gia đình ông Nguyễn Văn Chành (quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) để đặt cọc. Thậm chí có ngày 2 – 3 cò lúa đến hỏi mua nhưng người nông dân này vẫn không lấy làm lạ.
“Tôi làm lúa 30 năm qua, cứ độ 2 – 3 tuần trước khi thu hoạch cò lúa lại tìm đến nhà nên dần cũng quen. Chỉ có khoảng hơn 1 năm trở lại đây khi giá lúa tăng cao, cò lúa có khi đặt cọc sớm hơn và tìm đến nhiều hơn, có ngày tôi chỉ ngồi ở nhà uống nước trà tiếp 2 – 3 cò lúa”, ông Chành nói.
Nông dân này cũng cho biết, cò lúa thay nhau ra giá đặt cọc người cọc hôm trước giá 7.600 đồng/kg, hôm sau tăng lên 7.800 đồng/kg. So với vụ trước giá này cũng không chênh lệch nhiều và vẫn ở mức cao.
Còn tại TP Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang cò lúa, thương lái cũng tìm đến tận nhà đặt cọc 8 công ruộng của bà Bùi Thị Bích (56 tuổi) với giá 7.800 đồng/kg.
“Ruộng nhà tôi tầm 10 ngày nữa sẽ thu hoạch, thương lái hiện đặt cọc giá 7.800 đồng/kg. Theo quan sát tỉ lệ lúa cho bông, tình hình thời tiết vụ này tôi ước đoán thu hoạch từ 800 – 900 kg/công”, bà Bích cho biết.
Quyết kí hợp đồng
Dù cò lúa, thương lái đến tận nhà đặt cọc với giá cao thế nhưng bà Bích vẫn cẩn trọng, không vội nhận cọc sớm sau làn sóng bỏ cọc đã xảy ra ở vụ lúa vừa qua.
“Vụ rồi thương lái mua giá 9.000 đồng/kg và đặt cọc 200.000 đồng/công, sau đó cận ngày thu hoạch thương lái đề nghị giảm xuống giá 7.900 đồng/kg. Do đã thống nhất từ đầu nếu lúa tăng hoặc giảm dưới 500 đồng thì hai bên chia đôi, nhưng vì giảm hơn 1.000 đồng nên không thể thỏa thuận, do đó họ bỏ cọc”, bà Bích kể lại.
Để an toàn, bà Bích chờ cận ngày thu hoạch mới nhận cọc. “Nhận cọc sớm đến khi thu hoạch rộ giá lúa giảm, thương lái sẽ kì kèo giảm giá như vụ trước rồi bỏ cọc thì tôi không kịp trở tay. Vụ này cận ngày thu hoạch tôi mới nhận cọc cho an toàn”, bà Bích nói.
Riêng vụ này, ông Chành quyết kí hợp đồng mua bán với thương lái thay vì giao dịch suông như trước. “Tôi không bán qua cò lúa mà trực tiếp bán cho thương lái. Để tránh bị ép giá cận ngày thu hoạch, vụ này thương lái muốn mua lúa thì phải làm hợp đồng thu mua và thỏa thuận rõ ràng chứ không thỏa thuận suông bằng miệng như trước, tránh tình trạng đến khi bị ép giá lại không kịp trở tay”, ông Chành cho hay.
Tại Hội thảo phát triển bền vững trong chuỗi giá trị lúa gạo được tổ chức ngày 2.5 ở TP Cần Thơ, Phó Chủ tịch Hiệp hội ngành hàng lúa gạo Việt Nam Trần Minh Hải – nhận định: Thời gian qua, sự liên kết giữa thương lái và nông dân bộc lộ nhiều bất cập. Chẳng hạn, thời điểm thu hoạch, giá cả được quyết định bởi thương lái, điều này đôi lúc trở thành vấn đề vướng mắc trong khâu tiêu thụ giữa thương lái với người sản xuất lúa.
Ông Trần Minh Hải cho rằng, thương lái cần được có giấy chứng nhận hành nghề; được đăng ký hành nghề (để giúp phân biệt thương lái tốt và thương lái chưa tốt); Khuyến khích tập hợp thương lái vào các nhóm, các câu lạc bộ để trao đổi kinh nghiệm… Từ đó giảm tình trạng bẻ kèo, mua bán nông sản kém chất lượng hay trục lợi, cấu kết, gây chia rẽ, tác động tiêu cực đến giá cả…