Để tăng lương thực sự có ý nghĩa
Chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ ngành, doanh nghiệp Nhà nước xây dựng phương án, lộ trình điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý theo từng tháng, chuẩn bị sẵn phương án điều chỉnh phù hợp, không tăng giá đột ngột và tăng giá nhiều loại hàng hóa, dịch vụ cùng thời điểm.
Chỉ đạo của người đứng đầu Chính phủ được đánh giá rất kịp thời, quyết liệt, bởi thực tế thời gian qua đã có tình trạng cứ tăng lương là giá hàng hóa lại “té nước” tăng theo. Điều này khiến giá trị của việc tăng lương bị suy giảm, khiến người lao động mừng ít, lo nhiều vì lo sợ lương tăng không đuổi kịp giá hàng hóa tăng.
Trao đổi với Lao Động, Ông Vũ Vinh Phú – Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội cho biết, quan sát một vài tháng gần đây khi có những động thái về tăng lương 1.7.2024 và quyết định mới về tăng giá điện trong những tháng cuối năm 2023, thì giá cả hàng hóa dịch vụ trên thị trường – mặc dù khá dồi dào, phong phú, nhưng đã có những động thái tăng giá, điều chỉnh giá, tăng giá ngầm… xuất hiện ở trên thị trường, xuất phát từ nhà sản xuất và cả các nhà bán lẻ của các kênh thương mại.
Với chỉ tiêu CPI của Quốc hội đề ra từ đầu năm ở mức cao nhất là 4,5% trong năm nay, mục tiêu kiềm chế lạm phát chắc chắn sẽ có nhiều khó khăn hơn khi có biến động của giá điện, giá xăng dầu, tiền lương, dịch vụ y tế, giáo dục… nhất là hàng hóa, dịch vụ tăng giá trong lúc thu nhập của đại bộ phận dân cư còn nhiều khó khăn, có bộ phận lương chưa đủ sống.
Chính vì vậy, việc tăng giá các mặt hàng là nguyên liệu đầu vào của nền kinh tế như điện, xăng dầu; các mặt hàng thiết yếu như lương thực thực phẩm cần phải cân nhắc thận trọng và trách nhiệm.
“Các nhà vật giá, công thương, tài chính phải đặt địa vị mình là người tiêu dùng, doanh nghiệp để xác định giá theo từng thời kỳ, xác định việc điều chỉnh giá công khai, minh bạch, chính xác, khách quan… được xã hội đồng tình, chấp nhận” – ông Phú nói.
Theo ông Phú, hiệu lực quản lý Nhà nước về giá rất được quan tâm. Hiện nay việc quản lý giá mới chỉ tập trung ở một số mặt hàng như tàu hỏa, máy bay, học phí, điện… trong khi cuộc sống có tới hàng trăm mặt hàng thiết yếu khác. Do vậy, để hài hòa lợi ích của người lao động thì phải gắn kết với sản xuất và phân phối thành một chuỗi cung ứng, giảm bớt trung gian, giảm bớt chi phí vận chuyển.
“Hiện nay, vấn nạn buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, kể cả bán trực tiếp hay online trên các nền tảng thương mại điện tử là rất phức tạp. Cho nên phải kiểm soát, gian lận thương mại, trốn thuế gây xáo trộn thị trường, quản lý an toàn thực phẩm, chất lượng hàng hóa. Những vấn đề này phải điều chỉnh cho bằng được để đảm bảo ổn định đời sống nhân dân.
Tôi tin rằng, với sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống, sự quyết tâm của các cấp, các ngành, việc tăng lương cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động tới đây sẽ thật sự có ý nghĩa đúng như mục tiêu tăng lương đã đề ra để khi cầm đồng lương, người lao động cảm thấy thật sự có ý nghĩa” – ông Phú nói.
Doanh nghiệp cùng vào cuộc
Ông Phạm Văn Long – Giám đốc Công ty Cổ phần Thực phẩm dinh dưỡng Lolifood – cho biết, thời gian gần đây, giá nguyên vật liệu để sản xuất các loại ngũ cốc dinh dưỡng của công ty ông liên tục tăng cao, từ 5 – 10% so với trước đây.
“Việc tăng các loại nguyên liệu đầu vào này khiến việc kinh doanh của công ty gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, nếu tăng giá sản phẩm thì khách hàng sẽ là người chịu thiệt thòi. Chính vì vậy, sau khi cân nhắc và tính toán, chúng tôi chấp nhận giảm lợi nhuận để không tăng giá bán cho khách hàng của mình” – ông Long chia sẻ.
Để đối mặt với tình trạng nhiều nguyên liệu tăng giá, ông Long cho rằng, doanh nghiệp đang thực hiện biện pháp tăng số lượng sản xuất để tiền công và chi phí hao mòn giảm xuống. Nói cách khác là lấy số lượng nhiều để bù chi phí.
Đồng thời, công ty có thể tìm kiếm những sản phẩm mới, với chi phí đầu vào thấp hơn, giá thành rẻ hơn, để khách hàng có thể lựa chọn những sản phẩm này.
Ông Võ Trần Ngọc – Giám đốc kinh doanh Saigon Co.op – cho biết, mặc dù thời gian qua, một số nhà cung cấp của doanh nghiệp này đã thông báo tăng giá khoảng 10%, tuy nhiên, là đơn vị tham gia bình ổn giá, doanh nghiệp chủ động làm việc với nhà cung cấp, ký thỏa thuận bao tiêu một số sản phẩm, bảo đảm nguồn cung ứng.
“Với nhóm hàng tiêu dùng, do tình hình sức mua hiện nay tương đối thấp, nên Saigon Co.op thương lượng nhà cung cấp không tăng giá để chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng.
“Chúng tôi chủ động phối hợp với nhà sản xuất cùng giảm lợi nhuận để bảo đảm giá bình ổn” – ông Ngọc nhấn mạnh.