Bộ Giao thông vận tải đánh giá như vậy trong báo cáo kết quả thẩm định đề án nghiên cứu xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, TP.HCM vừa gửi Thủ tướng.
Thúc đẩy hoạt động trung chuyển quốc tế tại Cần Giờ
Theo Bộ Giao thông vận tải, đề án nghiên cứu xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ đã được UBND TP.HCM tổ chức lập bài bản, chi tiết. Nội dung đề án và các đề xuất của UBND TP.HCM thuộc nhiều lĩnh vực, một số lĩnh vực không thuộc chức năng nhiệm vụ, thẩm quyền quản lý của Bộ Giao thông vận tải.
Do vậy, đề án được UBND TP.HCM gửi xin ý kiến các bộ, địa phương liên quan, được các chuyên gia, nhà khoa học và hội đồng thẩm định tổ chức họp và cho ý kiến. UBND TP.HCM đã tiếp thu, giải trình cơ bản đầy đủ ý kiến của các bộ, địa phương, các chuyên gia, thành viên hội đồng thẩm định.
Tại cuộc họp ngày 17-6, đã có 100% thành viên hội đồng thẩm định thống nhất về sự cần thiết lập đề án và đã bỏ phiếu thông qua đề án.
Tại cuộc họp thẩm định lần 2 ngày 16-8, hội đồng thẩm định đã thống nhất thông qua biên bản phiên họp hội đồng thẩm định “Đề án nghiên cứu xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, TP.HCM” lần 2.
Góp ý về sự cần thiết lập đề án cảng trung chuyển Cần Giờ, Bộ Giao thông vận tải nhận định đề án có đủ cơ sở pháp lý để lập, được lập phù hợp với chủ trương của Đảng, Quốc hội, Chính phủ. Bộ thống nhất với sự cần thiết lập đề án đã được UBND TP.HCM nêu.
Bộ Giao thông vận tải cũng bày tỏ cơ bản thống nhất với các mục tiêu của đề án nhằm thúc đẩy hoạt động trung chuyển quốc tế tại Cần Giờ và định hướng sơ bộ công suất, quy mô, công nghệ khai thác, diện tích sử dụng đất, hạ tầng kết nối, hình thức đầu tư và mô hình quản lý, khai thác cảng.
Tuy nhiên, đề án nên nghiên cứu đưa ra mục tiêu cụ thể đến năm 2030 đầu tư và đưa vào khai thác với số lượng, quy mô bến chính, bến sà lan phù hợp với lộ trình đầu tư được đề xuất tại phần phân kỳ đầu tư khu bến cảng.
75% là hàng trung chuyển quốc tế
Đề án tính toán lượng hàng thông qua khu bến cảng Cần Giờ với tỉ lệ trung chuyển từ 75% là hàng trung chuyển quốc tế từ nước khác về và 25% là hàng xuất nhập khẩu của Việt Nam; dự báo đến năm 2030 có 4,8 triệu Teu gồm 3,6 triệu Teu hàng trung chuyển quốc tế (75%) và 1,2 triệu Teu hàng xuất nhập khẩu của Việt Nam (25%).
Bộ Giao thông vận tải cho biết qua rà soát, kết quả nghiên cứu đề án và kết quả lập quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển số 4 (gồm cảng biển TP.HCM) phù hợp về lượng hàng, tỉ lệ hàng trung chuyển thông qua khu bến cảng Cần Giờ và quy mô đầu tư khai thác bến cảng giai đoạn đến năm 2030 và giai đoạn sau năm 2030 đến năm 2050.
Bộ Giao thông vận tải nhận định đề án nghiên cứu, đánh giá khá kỹ tác động của việc đầu tư khai thác cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ đến các khu bến cảng, cảng biển lân cận.
Theo đề án, lượng hàng thông qua khu bến cảng Cần Giờ hướng đến loại cảng chuyên về trung chuyển với tỉ lệ trung chuyển từ 75% là hàng trung chuyển quốc tế mang từ nước khác về và 25% là hàng xuất nhập khẩu của Việt Nam do hãng MSC đang đảm trách chuyên chở, phần lớn đến từ các cảng liên doanh của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam và của Công ty CP Cảng Sài Gòn.
Vì vậy, bộ đề nghị trong quá trình triển khai đầu tư khai thác, nhà đầu tư có cam kết và các cơ quan có thẩm quyền giám sát chặt chẽ để đảm bảo đúng tỉ lệ hàng trung chuyển khai thác tại khu bến Cần Giờ như tại đề án, tránh ảnh hưởng đến hoạt động khai thác của các cảng khác tại khu vực.