Những tin nhắn xúc phạm danh dự, nhân phẩm
Chị N.T.N, 40 tuổi hiện sống tại quận Đống Đa, Hà Nội những ngày gần đây liên tục nhận được tin nhắn, cuộc gọi đòi nợ từ các số điện thoại lạ, mặc dù chị không vay nợ ai. Tuy đã chặn số lạ song các tin nhắn, cuộc gọi với nội dung đe dọa nếu trốn tránh không trả nợ sẽ đăng thông tin trên mạng xã hội và đến quấy phá nơi làm việc, hàng xóm vẫn tới tấp được gửi tới khiến chị N không khỏi lo lắng, bất an.
Trường hợp như chị N hoàn toàn không hiếm. Mặc dù luật pháp Việt Nam không cho phép dùng cách thức khủng bố, đe dọa để đòi nợ. Nhưng hiện nay, hàng loạt vụ việc liên quan đến quấy rối, đe dọa bằng hình thức nhắn tin, gọi điện vẫn xảy ra thường xuyên.
Tương tự là trường hợp chị N.T.L.P (38 tuổi, ở Hà Nội) cũng mới nhận được tin nhắn từ một số điện thoại lạ, với nội dung: “N.L.P mày đúng là c.c súc sinh bao che cho Vũ Thị Ngọc L – Hiệu trưởng trường trung cấp Q.t cấu kết với Lã Thị D đi vay tiền lừa đảo rồi giật nợ. Giờ tao sẽ đăng mặt c. mày lên mạng xã hội tới khi nào 2 chúng nó trả thì thôi. Liên hệ 0582.475.XXX để trả nợ gấp”.
Chị P cho hay, không biết những người trong tin nhắn của đối tượng gửi đến số điện thoại của mình. Mặc dù không liên quan song chị P cảm thấy bị xúc phạm nghiêm trọng về danh dự, nhân phẩm. Điều chị băn khoăn là kẻ này sao lại có số điện thoại của mình để nhắn tin “khủng bố” tinh thần người như chị.
Xử lý hành chính hay hình sự tuỳ mức độ
Một cán bộ công an quận Hoàn Kiếm (TP.Hà Nội) nhìn nhận các vụ việc trên có dấu hiệu vi phạm pháp luật, cụ thể xâm phạm nghiêm trọng đến nhân phẩm, danh dự của người dân. Trên thực tế, các đối tượng thường sử dụng sim rác, không chính chủ để nhắn tin cho nạn nhân. Bên cạnh đó, nhiều người khi nhận được tin nhắn có các nội dung như trên hoặc họ “không thèm để ý”, hoặc chưa quyết liệt xử lý.
“Nếu thường xuyên bị nhắn tin đe doạ, chửi bới, công dân có thể trình báo công an, nhà mạng…” – cán bộ này cho biết.
Ở khía cạnh pháp lý, luật sư Nguyễn Thị Hường, Đoàn Luật sư Hà Nội cho hay, ai cũng đều được pháp luật bảo hộ về danh dự và nhân phẩm, không ai có quyền xâm phạm danh dự, nhân phẩm của người khác dưới bất kỳ hình thức nào, theo Hiến pháp năm 2013. Mọi hành vi chửi bới, xúc phạm đến người khác đều sẽ bị xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Hành vi đe dọa, xúc phạm danh dự nhân phẩm của người khác được thực hiện trong đời sống xã hội nếu mức độ chưa nghiêm trọng thì sẽ bị xử phạt hành chính theo Điều 5, Nghị định số 167, phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000-300.000 đồng nếu có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác.
Trường hợp hành vi chửi bới, nhắn tin xúc phạm danh dự nhân phẩm của người khác được thực hiện bằng mạng xã hội, mạng viễn thông thì sẽ bị xử phạt hành chính theo Nghị định 15 của Chính phủ, với mức phạt từ 10-20 triệu đồng.
Trường hợp nhắn tin có nội dung vu khống, xúc phạm danh dự nhân phẩm của người khác gây hậu quả nghiêm trọng thì người vi phạm có thể bị xử lý hình sự về tội “Vu khống”, “Làm nhục người khác”, “Đưa thông tin trái phép trên mạng Internet hoặc tội “Lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức cá nhân” theo quy định của bộ luật hình sự.