Bà Vũ Thị Thu Hương – Phó Trưởng Ban Truyền thông và Văn hóa Doanh nghiệp Tập đoàn – cho biết, năm 2022, Petrovietnam đã phát động toàn thể cán bộ nhân viên, người lao động dầu khí trồng 3 triệu cây xanh trên các công trình, địa phương có hoạt động dầu khí giai đoạn 2022 – 2025. Trong 2 năm qua các đơn vị đã trồng mới và chăm sóc 615.135 cây xanh.
Nhiều đơn vị thành viên Tập đoàn đã có những hành động cụ thể thực hiện chương trình tiêu biểu như: Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) đã phối hợp với địa phương/đơn vị trồng được hơn 260.000 cây xanh trên 76 ha rừng tại Cà Mau, Thái Bình, Nghệ An và hiện đã có những cánh rừng mang tên PVEP; Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo) đã hỗ trợ 100.000 cây phi lao giống cùng các vật tư đi kèm để chuyển tới các đảo Trường Sa trong chương trình “Xanh hóa Trường Sa”; …
Tại chương trình, các đại biểu từ các đơn vị thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các chuyên gia từ Viện sinh thái và bảo vệ công trình đã cùng nhau thảo luận, trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ những bài học thực tế và định hướng triển khai chương trình trồng cây xanh.
Ông Đinh Thế Hùng – Trưởng Ban Công nghệ và An toàn Môi trường Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) -cho biết, trong quá trình triển khai chương trình trồng cây xanh, PVEP đã gặp không ít những khó khăn, thách thức như việc chưa có kinh nghiệm trong lĩnh vực lâm nghiệp; tài liệu tham khảo về khả năng hấp thụ CO2 của cây trồng còn hạn chế; quỹ các thửa đất lớn của địa phương vẫn còn thiếu,…
Do đó, để khắc phục những khó khăn, PVEP đã phối hợp với các cơ quan có chuyên môn về lâm nghiệp; ưu tiên trồng cây trên diện tích đất rộng trong thời gian dài, đặc biệt ở khu vực phía Nam. Bên cạnh đó, PVEP cũng giữ quyền lấy tín chỉ CO2 tại diện tích rừng đã trồng, từ đó góp phần giảm phát thải ròng khí nhà kính.
Ông Nguyễn Quốc Anh – Đại diện Ban Công nghệ An toàn Môi trường Tập đoàn Dầu khí Việt Nam – đã chia sẻ nghiên cứu lựa chọn cây trồng và các phương pháp tính toán khả năng hấp thụ CO2. Trong đó, có 14 loài cây trồng đáp ứng được bộ tiêu chí, đề xuất cho khu vực nghiên cứu tập trung vào địa bàn các tỉnh thành đã được điều tra khảo sát là Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Ngãi, TP. Hồ Chí Minh, Cà Mau.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi tọa đàm, ông Phạm Tuấn Anh – Thành viên HĐTV Petrovietnam – cho biết, sự bùng nổ về khoa học công nghệ và quá trình công nghiệp hoá đang diễn ra rất mạnh mẽ. Tuy nhiên, song song với quá trình đó, môi trường cũng đã xuống cấp nghiêm trọng; thiên tai, thảm họa tự nhiên đang gây ra nhiều hệ quả nặng nề cho đời sống con người.
Biến đổi khí hậu đã trở thành một trong những thách thức lớn nhất của nhân loại. Chính vì thế, các quốc gia trên thế giới phải cùng chung tay bảo vệ môi trường, chống lại tác động của thiên tai.
Petrovietnam cũng không nằm ngoài xu thế đó, Tập đoàn đã xây dựng chương trình chiến dịch, hành động cụ thể trong triển khai trồng cây xanh. Đây chính là giải pháp quan trọng giúp giảm phát thải và giảm thiểu tác động tiêu cực đến biến động khí hậu.
Thông qua chương trình trồng 3 triệu cây xanh, người lao động dầu khí đã rút ra nhiều bài học, kinh nghiệm để từ đó nâng cao hiệu quả trồng cây, góp phần cải thiện môi trường sống.
“Tôi mong muốn toàn thể cán bộ nhân viên, người lao động Dầu khí sẽ tiếp tục hưởng ứng việc trồng cây xanh và phải xác định đây là nội dung quan trọng trong quá trình phát triển của Petrovietnam.
Chúng ta phải biến phong trào trồng cây xanh thành tập quán văn hóa; chuyển từ làm nghiệp dư sang chuyên nghiệp. Các loại cây trồng được lựa chọn phải phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu của vùng trồng, từ đó giúp cây sinh trưởng tốt”, ông Phạm Tuấn Anh nhấn mạnh.
Cũng nhân dịp này, Tổng Công Ty Thăm Dò Khai Thác Dầu Khí (PVEP) đã phối hợp với Công đoàn Dầu khí Việt Nam triển khai trồng 1.000 cây xanh tại Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2.
Đây là hoạt động hết sức ý nghĩa, thể hiện tinh thần trách nhiệm của người lao động Dầu khí trong công tác xây dựng và bảo vệ môi trường, góp phần phủ xanh các trụ sở, khuôn viên cơ quan, đơn vị; các công trình, dự án, nhà máy, xí nghiệp; các địa phương, vùng miền có hoạt động dầu khí.