Thị trường chứng khoán kết thúc tuần đầu tiên tháng 6 tăng nhẹ với thanh khoản thấp nhất trong 10 phiên khi tổng giá trị giao dịch toàn sàn HOSE chưa tới 18.000 tỉ đồng. Trong bối cảnh các nhóm cổ phiếu lớn đều giao dịch phân hóa, dòng tiền vẫn hoạt động sôi động ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, tiếp sức cho đà tăng mạnh của nhiều mã.
Không còn yếu tố đột biến như tuần trước khiến giá trị bán ròng của khối ngoại giảm mạnh gần 80%, nhưng áp lực xả bán vẫn tập trung chủ yếu là các cổ phiếu bluechip như MWG, FPT, TCB, VHM với giá trị 1.700 tỉ đồng.
Trên sàn HOSE, khối ngoại mua ròng mạnh nhất cổ phiếu MSN với giá trị đạt 277 tỉ đồng, tương đương khối lượng mua ròng đạt 3,53 triệu đơn vị. Tuy nhiên, POW vẫn là cổ phiếu dẫn đầu danh mục mua ròng mạnh về khối lượng với 7,7 triệu đơn vị, giá trị mua ròng tương ứng đạt 105 tỉ đồng.
Trên sàn HNX, khối này mua ròng mạnh nhất cổ phiếu IDC với giá trị đạt 50,43 tỉ đồng, tương đương khối lượng mua ròng đạt 812.100 đơn vị.
Nhìn lại thị trường, sau khi có pha sụt giảm đáng kể vào cuối tháng 4 với hơn 100 điểm, thị trường chứng khoán đã phục hồi tích cực trong tháng 5 nhưng thanh khoản có phần thấp hơn giai đoạn trước đó. Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn không còn là tâm điểm, thay vào đó nhóm cổ phiếu vốn hoá nhỏ và trung bình mới là nhân tố đóng vai trò tích cực trong nhịp phục hồi này, giúp cho VN-Index nhanh chóng quay trở lại gần vùng đỉnh cũ vào đầu tháng 4.
Theo số liệu từ Bloomberg, mức P/E hiện tại của VN-Index khoảng 16x lần (đã loại bỏ các lợi nhuận bất thường của doanh nghiệp). Mức định giá này đang ngang mức trung bình 2 năm của VN-Index và thấp hơn mức trung bình 10 năm.
Dưới góc nhìn kỹ thuật, theo các chuyên gia của Công ty Chứng khoán KBSV, VN-Index đang cho thấy xu hướng vận động đi ngang trong vùng 1.250 – 1.285 điểm. Mặc dù áp lực phân phối gia tăng mạnh tại cận trên của dải, lực cầu chủ động bắt đáy giá thấp cũng giúp VN-Index tiếp tục giữ vững xu hướng vận động, đồng thời tạo một nền giá tại ngưỡng 1.25x.
Bên cạnh đó, đà hồi phục của nhóm cổ phiếu VN30 đang có phần tích cực hơn sau khi đã trải qua nhịp điều chỉnh mạnh hơn VN-Index. Với những yếu tố này, nhóm phân tích nghiêng về kịch bản (70% xác suất) VN-Index sẽ tăng điểm vượt vùng kháng cự tâm lý 1.300 điểm trước khi gặp áp lực điều chỉnh mạnh trở lại tại vùng kháng cự trung hạn quanh 1.330 điểm (+-10).
Rủi ro ảnh hưởng đến kịch bản của KBSV bao gồm vấn đề áp lực tỉ giá trở nên trầm trọng hơn, cũng như khả năng lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ (US10Y) vượt mốc 4,8%.
Riêng với tỉ giá, trong tháng 5, tỉ giá liên ngân hàng USD/VND diễn biến căng thẳng khi liên tục áp sát và vượt ngưỡng bán ra của Ngân hàng nhà nước tại 25.450 đồng (tăng 4,9% từ đầu năm). Ngân hàng nhà nước đã có động thái can thiệp bằng cách bán thẳng ngoại tệ với khối lượng tương đối lớn.
KBSV cho rằng tỉ giá trong ngắn hạn vẫn sẽ chịu áp lực bởi các vấn đề về dòng ngoại tệ nêu trên và DXY neo ở vùng cao. Do đó, Ngân hàng nhà nước sẽ tiếp tục phải bán ngoại tệ trong những đợt tỉ giá biến động mạnh. Về dài hạn, dự báo tỉ giá sẽ duy trì ở mức cao hiện tại cho đến khi các tín hiệu tích cực xuất hiện giúp tỉ giá hạ nhiệt vào cuối năm khi FED thực hiện việc hạ lãi suất.