“Không bao che doanh nghiệp”
Chiều 15.8, sau khi đại diện Viện KSND Hà Nội công bố xong bản cáo trạng dài gần 100 trang, TAND Hà Nội bắt đầu xét hỏi các bị cáo trong phiên sơ thẩm xét xử ông Trần Văn Nam cùng 27 người sai phạm trong hai khu đất vàng ở Bình Dương.
Theo cáo buộc, khi giữ chức Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, ông Trần Văn Nam ký 2 Quyết định số 2631 và 48 về việc giao đất có thu tiền sử dụng đất khu đất có diện tích 43ha và 145ha cho Tống Công ty 3-2.
Ở cương vị của mình, ông Nam biết rõ tiền sử dụng đất là nguồn thu ngân sách Nhà nước; Bảng giá đất hàng năm được UBND tỉnh ban hành trên cơ sở Nghị quyết của Hội đồng nhân dân là căn cứ để tính tiền sử dụng đất.
Tuy nhiên, ngày 23.11.2012, ông Trần Văn Nam ký Công văn số 3444 có nội dung giá đất bình quân là 51.914 đằng/m2 theo đề xuất của các bị cáo thuộc Cục thuế tỉnh Bình Dương và tham mưu của các bị can thuộc Văn phòng UBND tỉnh Bình Dương.
Song, cáo trạng cho rằng, việc áp đơn giá năm 2006 cho năm 2012 là trái quy định của pháp luật, dẫn đến hậu quả gây thất thoát ngân sách Nhà nước số tiền hơn 761 tỉ đồng khi tính tiền thuế trước bạ, tiền sử dụng đất giao khu đất 43ha và 145ha cho Tổng Công ty 3-2.
Ở giai đoạn giữ chức Bí thư Tỉnh uỷ Bình Dương, ông Nam được xác định chủ trì tổ chức họp Thường trực Tỉnh ủy để phê duyệt Phương án sử dụng đất của Tổng Công ty 3-2.
Theo đó, khu đất 43ha và 30% vốn góp tại Công ty Tân Phú phải chuyển về Công ty Impco là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước do Tỉnh ủy quản lý.
Cáo buộc cho rằng, lúc này Tổng Công ty 3-2 đã chuyển nhượng khu đất 43ha cho Công ty Tân Phú, không bàn giao về Công ty Impco là trái chủ trương của Tỉnh ủy và quy định của pháp luật.
Đe che giấu sai phạm của Tổng Công ty 3-2 và trách nhiệm quản lý tài sản của chủ sở hữu, ông Nam tiếp tục chỉ đạo hợp thức hóa Công văn số 974 đề ngày 19.5.2017 (thực tế được lập vào tháng 10.2018)… làm sai lệch bản chất nội dung phê duyệt chi tiết phương án sử dụng đất của chủ sở hữu (Tỉnh ủy Bình Dương), dẫn đến hậu quả gây thất thoát cho Nhà nước số tiền gần 985 tỉ đồng.
Trước toà, ông Nam trình bày, năm 2012, Bình Dương đang tập trung tối đa để làm thành phố mới, nghe có doanh nghiệp lớn nhận đất, bất động sản lại đang xuống nên rất mừng.
Vì thế, khi Cục thuế trình đơn giá nên đã chấp nhận. Ngoài ra, bị cáo thấy các cơ quan chuyên môn ở tỉnh đã thẩm định, không có vấn đề gì nên mới ký. “Lúc đó thấy rất đúng, bây giờ thấy không đúng” – ông Nam nói.
“Khi nào thì bị cáo biết khu đất 43ha bị chuyển nhượng cho tư nhân?”, HĐXX truy vấn. Ông Nam cho hay, đầu năm 2018, khi thấy Công ty Kim Oanh quây rào khu đất này và rộ lên thông tin “Tỉnh uỷ bán đất vàng cho tư nhân” thì ông mới biết.
Và chỉ khi có kết luận thanh tra, ông mới biết cái này là sai. Suốt thời gian sau đó, ông không trực tiếp chỉ đạo cuộc họp nào để bàn giải quyết về vấn đề này.
Cuối phần xét hỏi của chủ toạ, cựu Bí thư Bình Dương đề nghị HĐXX xem xét kỹ về những cáo buộc. Ông khẳng định không bàn bạc, không có ý đồ gì để hợp thức hoá, hay bao che cho doanh nghiệp làm trái mà còn yêu cầu thanh tra, điều tra.
Áp đơn giá 10 năm trước vì “tình nghĩa”
Trước ông Nam, ông Nguyễn Văn Minh – cựu Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng Giám đốc Tổng Công ty 3-2 – bị thẩm vấn về hai hành vi theo cáo buộc.
Theo cáo buộc, ông Minh đã chỉ đạo chuyển nhượng trái pháp luật khu đất 43ha và 30% vốn góp của Tổng Công ty 3-2 tại Công ty Tân Phú sang Công ty tư nhân do Nguyễn Đại Dương là con rể nắm quyền điêu hành, gây thất thoát cho Nhà nước số tiền gần 985 tỉ đồng.
Tại khu đất 145ha, ông Minh tạo điều kiện cho hai Công ty “sân sau” là Hưng Vượng và Phát triển, nhận chuyển nhượng vốn góp và góp vốn thay hai nhà đầu tư Hàn Quốc nhằm sở hữu tỷ lệ vốn điều lệ tại Công ty Tân Thành.
Sau đó, bị cáo chỉ đạo các đồng phạm dưới quyền hợp thức các thủ tục pháp lý để góp vốn bằng quyền sử dụng đất vào Công ty Tân Thành, không có báo cáo và không được Tỉnh ủy Bình Dương phê duyệt.
Trong quá trình cổ phần hoá Tổng Công ty 3-2, ông Minh chỉ đạo các đồng phạm cố ý loại trừ khu đất 145ha không tính vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hoá gây thất thoát cho Nhà nước số tiền hơn 4.030 tỉ đồng.
Tại toà, ông Minh thừa nhận việc chuyển nhượng 30% vốn sang công ty tư nhân.
Chủ toạ công bố, giá trị vốn góp của Tổng Công ty 3-2 vào liên danh Tân Thành, áp dụng đơn giá năm 2007 cho khu đất 145ha để góp vốn năm 2017.
“Tại sao dùng đơn giá 10 năm trước?”, chủ toạ hỏi. “Hai công ty Hưng Vượng và Phát triển có góp vốn theo hợp đồng liên doanh cùng Tổng Công ty 3-2. Theo tôi phải xử lý có tình có nghĩa nên giữ nguyên đơn giá” – bị cáo Minh trả lời.
“Nhưng đây là tài sản Nhà nước, đâu phải của bị cáo” – chủ toạ cho hay. “Tôi làm kinh doanh suy nghĩ rất đơn giản, chưa bao quát kịp thời. Tôi nghĩ mang đất đi vay ngân hàng cũng phải trả lãi, nên coi đấy như một quỹ hàng hóa” – bị cáo đáp.
Cũng trong chiều nay, tòa còn hỏi một số bị cáo khác, đến 17h40 thì tạm nghỉ. Ngày mai toà tiếp tục làm việc.