Tờ Politico dẫn một tài liệu nội bộ của Liên minh châu Âu cho biết, giới chức EU cảnh báo giá năng lượng có nguy cơ cao hơn sau khi thỏa thuận trung chuyển khí đốt Nga qua Ukraina tới EU hết hạn.
Năm 2019, Mátxcơva và Kiev ký thỏa thuận vận chuyển khí đốt qua đường ống kéo dài 5 năm, theo đó, Nga tiếp tục cung cấp khí đốt cho các nước EU bất chấp hai năm chiến sự khốc liệt ở Ukraina.
Giờ đây, khi hợp đồng sẽ kết thúc vào ngày 31.12.2024, Ukraina cho biết, sẽ không tìm cách gia hạn. Cao ủy năng lượng EU Kadri Simson đồng ý, cho rằng EU “không quan tâm” đến việc thúc đẩy khôi phục thỏa thuận.
Điều đó có nghĩa là EU sẽ sớm mất khoảng 5% tổng lượng khí đốt nhập khẩu, chủ yếu sang miền trung và đông nam châu Âu, theo tài liệu nội bộ của Ủy ban châu Âu. Tài liệu lưu ý, nếu sự thiếu hụt đó đi kèm với một đợt rét đậm kéo dài, có thể tạo ra kịch bản “xấu nhất” cho các quốc gia dựa vào việc vận chuyển khí đốt Nga qua Ukraina.
Theo Aura Sabadus, nhà phân tích cấp cao của công ty tình báo thị trường ICIS, viễn cảnh này đang tạo ra sự lo lắng trên toàn khu vực, trong đó Áo, Hungary và Slovakia có thể sẽ chịu ảnh hưởng lớn nhất.
Mặc dù các nước có thể hoán đổi khí đốt Nga bằng nguồn cung qua Đức, Italy hoặc Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng động thái gần đây của Berlin nhằm đơn phương đánh thuế xuất khẩu khí đốt đang làm phức tạp khả năng đó.
Sabadus cho biết, thuế này đang làm giảm động cơ khuyến khích các công ty năng lượng ở Trung Âu đầu tư vào nguồn cung cấp khí đốt ngoài Nga.
EU đã yêu cầu các nước thành viên ngừng nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch của Nga từ nay đến năm 2027. Và khối này cho đến nay đã cắt giảm khoảng 2/3 sự phụ thuộc vào khí đốt Nga so với năm 2021, chuyển sang nhập khẩu khí đốt từ Na Uy và Mỹ.
Nhưng bây giờ, EU phải chuẩn bị cho một kiểu cắt giảm khác.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu cho biết, việc mất nguồn cung cấp của Nga qua Ukraina có thể tạo ra chi phí vận chuyển cao hơn khi các nước tìm kiếm các tuyến đường thay thế, trong khi thuế áp đặt giữa các nước trong khối có thể “làm cho việc đa dạng hóa này trở nên khó khăn và tốn kém hơn”.
Khi thỏa thuận sắp kết thúc, các nước EU đang bắt đầu vạch ra các kế hoạch dự phòng trong bối cảnh lo ngại về tình trạng thiếu năng lượng.
Bộ Năng lượng Áo nói với Politico rằng, mặc dù nước này gần như phụ thuộc hoàn toàn vào khí đốt nhập khẩu của Nga, Vienna đã “tính đến rủi ro mất nguồn cung” và có các biện pháp chuẩn bị, bao gồm các nghĩa vụ dự trữ nghiêm ngặt đối với các công ty năng lượng.
Bộ Năng lượng Slovakia thừa nhận những thay đổi trong tuyến cung cấp của Ukraina có thể tác động đến an ninh năng lượng và ổn định giá cả.
Bộ Ngoại giao Hungary không trả lời yêu cầu bình luận, mặc dù, Budapest trước đây đã tìm cách mua khí đốt từ Thổ Nhĩ Kỳ nhưng vẫn đồng ý tăng cường cung cấp khí đốt từ Nga – khiến EU rất thất vọng.
Một số quan chức bày tỏ lo ngại rằng, việc ngừng thỏa thuận có thể gây ra tình trạng thiếu năng lượng.
Một quan chức Trung Âu giấu tên cho biết: “Chúng tôi thực sự lo ngại. Nếu tuyến đường quá cảnh Ukraina bị dừng lại, an ninh cung cấp khí đốt của chúng tôi có thể bị đe dọa”.