Mới chỉ nhận phản ánh miệng
Thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp tìm đường đưa khẩu trang xuất sang EU đã nhận được không ít lời mời chào từ các “cò”.
Theo đó, “cò” khẩu trang hứa trong 2 tuần sẽ thu xếp được chứng chỉ chất lượng từ phía EU cho doanh nghiệp, thay vì mất 1-2 tháng tự làm các thủ tục. Tuy nhiên, giá của mỗi lần giao dịch lớn, từ 1-2 tỉ đồng. Trên thực tế, đã có doanh nghiệp chi tiền để có được chứng chỉ chất lượng.
Thực tế này cũng được ông Vũ Bá Phú – Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) xác nhận. Trao đổi với Lao Động, ông Phú cho biết, lãnh đạo cục đã nắm bắt được tình hình, đang làm báo cáo gửi lãnh đạo Bộ Công Thương, có văn bản khuyến cáo doanh nghiệp xuất khẩu khẩu trang tránh việc rơi vào “bẫy” của các đối tượng môi giới.
“Về tình trạng mất oan tiền tỉ cho “cò” để xuất khẩu khẩu trang, hiện tại, chúng tôi mới chỉ nhận phản ánh miệng của các doanh nghiệp, chưa có kiến nghị, đề xuất gì nên chưa có căn cứ để lập đoàn thanh tra, kiểm tra.
Tuy nhiên, chúng tôi vẫn đang rà soát, nghiên cứu, đánh giá, khuyến cáo các doanh nghiệp xuất khẩu khẩu trang với đại ý phải đề phòng những người môi giới với ý đồ không trong sáng, không minh bạch, có thể gây thiệt hại cho doanh nghiệp, ảnh hưởng đến hình ảnh, hàng hoá, thị trường của Việt Nam với các nước đối tác”, ông Phú nói.
Theo ông Phú, cách đây hai, ba tuần, một số cục, vụ của Bộ Công Thương đã gặp gỡ các doanh nghiệp, nói rất rõ những vấn đề liên quan chứng nhận CE và FDA trong xuất khẩu khẩu trang và đồ bảo hộ y tế vào các thị trường khó tính là EU và Hoa Kỳ, như quy trình xin giấy phép thế nào, giấy chứng nhận đạt chuẩn ra sao, cách kiểm tra, thông tin dịch vụ như thế nào cho chuẩn.
Doanh nghiệp không nên tự xuất khẩu theo ý mình
Khi được hỏi, với những hàng hoá đã xuất sang các nước đối tác, nhưng giấy chứng nhận không hợp lệ sẽ giải quyết thế nào, ông Phú cho hay, ở thị trường Châu Âu, đa số các quốc gia đều yêu cầu phải có chứng nhận chất lượng CE, tuy nhiên, có một vài quốc gia không yêu cầu, cho nước xuất khẩu tự công nhận, tự công bố chất lượng sản phẩm.
Còn với lô khẩu trang xuất sang các nước yêu cầu chứng nhận CE nhưng chứng nhận không hợp lệ thì sản phẩm bị trả về, hoàn thiện các thủ tục pháp lý cần thiết. Trong trường hợp này, những doanh nghiệp xuất khẩu khẩu trang cần liên hệ với Thương vụ Việt Nam tại các nước để được giúp đỡ.
“Doanh nghiệp không nên tự xuất khẩu theo ý mình, xuất sang mà bị trả về thì không ai chịu trách nhiệm. Bởi, khẩu trang cũng giống những hàng hoá khác, không phải mặt hàng có điều kiện, phải chịu chung sự cạnh tranh rất lớn từ các quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ. Chính vì vậy, doanh nghiệp Việt phải tuân theo thông lệ quốc tế, quy định của nước sở tại”.
Ông Trần Thanh Hải – Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nêu quan điểm, hiện nay, vấn đề xin chứng chỉ chất lượng vào thị trường EU, Mỹ là trở ngại lớn, đây có thể là lý do khiến nhiều doanh nghiệp mất tiền môi giới để có được; song, vô hình lại rơi vào “bẫy” của họ”.
Nói về chiến lược xuất khẩu khẩu trang, ông Hải cho biết, qua dịch COVID-19, vấn đề xuất khẩu khẩu trang là gợi ý tốt cho các doanh nghiệp Việt. Nếu như tranh thủ được cơ hội của thị trường, nên nhìn nhận khẩu trang là mặt hàng thiết yếu để duy trì sản xuất, mở rộng thị trường, thay vì chỉ đáp ứng nhu cầu trong mùa dịch, rồi lại đóng cửa các phân xưởng, dây chuyền.