Hàng ngoại tràn vào qua thương mại điện tử, lãnh đạo KIDO đưa cảnh báo

Sau tuyến bài Lần theo 10.000km hàng Trung Quốc vào Việt Nam trên báo Tuổi Trẻ, nhiều doanh nhân, nhà quản lý đã chia sẻ góc nhìn và giải pháp.

Nguy cơ nếu chần chừ, không đoàn kết và hợp tác

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Trần Quốc Bảo, phó tổng giám đốc Tập đoàn KIDO kiêm giám đốc điều hành kênh thương mại điện tử E2E, cho hay xu hướng thương mại điện tử đã khiến việc kinh doanh xuyên biên giới hết sức sôi động, đây cũng là con đường khiến cho hàng ngoại tràn vào Việt Nam.

Do đó, điều quan trọng đối với các doanh nghiệp Việt là phải tham gia vào thương mại điện tử, nếu cứ tiếp tục chần chừ, doanh nghiệp Việt sẽ bị bỏ lại rất xa. Bên cạnh đó, những lợi thế của doanh nghiệp ngoại sẽ được tận dụng triệt để để đưa hàng vào Việt Nam nên nếu không đoàn kết và hợp tác, các doanh nghiệp cũng sẽ chậm chân trong cuộc đua thương mại điện tử.

“Tôi có một cảnh báo là với thương mại điện tử xuyên biên giới, lợi thế về quy mô sản xuất của doanh nghiệp nước ngoài sẽ được tận dụng triệt để để tràn vào Việt Nam. Do đó cách duy nhất là doanh nghiệp Việt phải tham gia cuộc chơi, doanh nghiệp phải hợp tác để phục vụ người tiêu dùng tốt hơn với xu thế mới này”, ông Bảo nói.

Theo ông Bảo, để hàng Việt cạnh tranh trên các sàn thương mại điện tử, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Việt phải có tư duy cởi mở và hội nhập, trong đó phải cải thiện về mặt sản phẩm với cách tiếp cận mới, phù hợp với xu hướng mua bán online thay vì bán trên các kênh phân phối truyền thống.

Xác định lợi thế để cạnh tranh

Theo bà Lại Việt Anh, phó cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), để thúc đẩy hàng Việt tham gia sâu vào thương mại điện tử, một trong những định hướng và giải pháp lớn nhất là gắn thương mại điện tử với chuỗi giá trị làm sao để tăng giá trị, thúc đẩy hiệu quả những mắt xích trong chuỗi cung ứng.

Từ góc độ để thúc đẩy việc tạo nên chuỗi giá trị và cung ứng, bà Việt Anh cho rằng phía Nhà nước cần gắn những định hướng phát triển chuỗi cung ứng trong thương mại điện tử với những quy hoạch phát triển vùng, hệ thống phân phối và đây là những việc Bộ Công Thương đã làm trong giai đoạn vừa qua và sẽ tiếp tục làm trong thời gian tới.

“Mắt xích quan trọng nhất là thúc đẩy liên kết giữa các địa phương trong những vùng kinh tế trọng điểm, để xác định được địa phương nào có những ưu thế từ những mặt hàng gì, địa phương nào có ưu thế trong lĩnh vực logistics hoặc trong tổ chức kho hàng để có thể tối ưu hóa hiệu quả của chuỗi cung ứng trong bối cảnh của khu vực”, bà Việt Anh chia sẻ.

Bà Việt Anh cho rằng việc quy hoạch và phát triển mạng lưới logistics rất quan trọng, tỉ trọng logistics hiện nay tương đối cao trong giá thành sản phẩm, đặc biệt là thương mại điện tử.

Trong khi đó, TS Võ Trí Thành cho rằng riêng năm 2023, doanh thu của thương mại điện tử là 3,5 triệu tỉ đồng, thu ngân sách từ đó là khoảng 100.000 tỉ đồng cho thấy đây là lĩnh vực rất tiềm năng, là kênh để đưa hàng Việt lên mua bán online.

Tuy nhiên, ông Thành cho rằng vấn đề mấu chốt là làm sao doanh nghiệp Việt Nam vươn lên, xây dựng được thương hiệu Việt Nam, có những nền tảng kết nối mạnh.

Ông Thành cho hay Việt Nam hiện nay có 5.000 – 6.000 mặt hàng OCOP song sản phẩm 5 sao có thể xuất khẩu lại rất ít. Do đó, ông Thành cho rằng cần cải thiện về quy mô sản xuất, logistics, đáp ứng xu thế… để đẩy mạnh việc đưa hàng Việt lên thương mại điện tử.

NGỌC HIỂN

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *