Ngày 28.2, Transnistria – nước cộng hòa không được công nhận ly khai khỏi Moldova vào đầu những năm 1990 – đã yêu cầu Nga giúp đỡ trong bối cảnh áp lực ngày càng tăng từ Chisinau. Transnistria mô tả đây là một “sự phong tỏa kinh tế”.
Lời kêu gọi giúp đỡ được đưa ra tại đại hội của các nhà lập pháp Transnistria các cấp, nơi đã thông qua một tuyên bố về vấn đề này. Các nhà lập pháp yêu cầu Mátxcơva thực hiện “các biện pháp để bảo vệ Transnistria trong bối cảnh áp lực ngày càng tăng từ Moldova”, nhấn mạnh rằng gần một nửa trong số 450.000 người sống ở quốc gia không được công nhận này là công dân Nga.
“Chúng tôi đã yêu cầu tăng cường các biện pháp chính trị và ngoại giao, vì Liên bang Nga là một trong những trung gian hòa giải quốc tế trong quá trình giải quyết” – ông Vitaly Ignatyev, quan chức phụ trách đối ngoại của Transnistria, giải thích với đài truyền hình Rossiya 24.
Đại hội cũng nêu vấn đề “phong tỏa kinh tế” với Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE), Nghị viện EU và các cơ quan, tổ chức quốc tế khác, kêu gọi họ gây áp lực lên Chisinau.
Mátxcơva đã nhanh chóng đáp lại lời kêu gọi giúp đỡ và hứa sẽ sớm giải quyết. “Bảo vệ lợi ích của cư dân Transnistria, đồng bào của chúng tôi, là một trong những ưu tiên của chúng tôi. Mọi yêu cầu luôn được xem xét cẩn thận” – Bộ Ngoại giao Nga cho biết trong một tuyên bố.
Konstantin Zatulin, nghị sĩ cấp cao của Duma Quốc gia, nói với RIA Novosti rằng Quốc hội Nga sẽ đánh giá lời thỉnh cầu của Transnistria ngay khi chính thức nhận được văn bản đề nghị.
Động thái này đã bị Moldova lên án. Phó Thủ tướng về Tái hòa nhập của Moldova, Oleg Serebyan, bác bỏ lời kêu gọi của Transnistria là “tuyên truyền” và phủ nhận đặt vùng lãnh thổ ly khai này vào tình trạng “phong tỏa kinh tế”.
“Phó Thủ tướng Tái hòa nhập và Cục Chính sách Tái hòa nhập của Chính phủ Moldova kiên quyết bác bỏ những tuyên bố mang tính tuyên truyền của Transnistria. Khu vực Transnistria của Cộng hòa Moldova được hưởng các chính sách hòa bình, an ninh và hội nhập kinh tế với Liên minh châu Âu” – Phó Thủ tướng Serebyan nói trong một tuyên bố.
Transnistria, một dải đất hẹp nằm giữa bờ trái sông Dniester và biên giới Moldova – Ukraina, đã tuyên bố độc lập khỏi Moldova vào đầu những năm 1990, ngay sau khi Liên Xô sụp đổ.
Sau nỗ lực bất thành của Moldova nhằm đòi lại Transnistria bằng vũ lực, một lệnh ngừng bắn đã đạt được vào năm 1992, với việc Nga duy trì một lực lượng gìn giữ hòa bình nhỏ trong khu vực.
Trong những năm qua, Transnistria đã thực hiện nhiều bước để hội nhập với Nga, với sự ủng hộ áp đảo của người dân nước cộng hòa tự xưng này với ý tưởng sáp nhập Nga vào giữa những năm 2000.