Ukraina có quyền tự do sử dụng vũ khí nhận được từ Phần Lan theo cách họ thấy phù hợp, bao gồm cả các cuộc tấn công vào lãnh thổ Nga – các quan chức cấp cao của quốc gia thành viên NATO mới nhất tuyên bố hôm 29.2.
Đài truyền hình Yle dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Phần Lan Antti Hakkanen lưu ý, không giống như “các quốc gia lớn hơn” đã đặt ra các hạn chế trong việc sử dụng vũ khí tầm xa cung cấp cho Kiev, Phần Lan không có bất kỳ hạn chế nào.
Bộ trưởng Hakkanen phát biểu: “Những quốc gia lớn hơn này, cùng những quốc gia khác, đã cung cấp các hệ thống tên lửa tầm xa này, tất nhiên họ cũng có tiếng nói về cách sử dụng chúng”.
Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng của Quốc hội Phần Lan, Jukka Kopra, xác nhận với đài Yle rằng Helsinki “không đặt ra những hạn chế như vậy và Ukraina có quyền sử dụng những vũ khí này để chống lại các mục tiêu quân sự trên đất Nga”.
Nhận xét này lặp lại tuyên bố của nước thành viên NATO Estonia. Phát biểu với Yle hôm 28.2, chỉ huy tương lai của Lực lượng Phòng vệ Estonia, Andrus Merilo, cho rằng việc hạn chế Kiev sử dụng vũ khí do phương Tây cung cấp trên lãnh thổ mà Ukraina tuyên bố là của mình là một “sai lầm”.
Phó chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Duma Quốc gia Nga, Aleksey Chepa, cảnh báo rằng các hành động thù địch của Phần Lan rốt cục có thể gây ra sự trả đũa.
Phó Chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga, Konstantin Kosachev, lập luận rằng sự thừa nhận của các quan chức cấp cao Phần Lan chắc chắn sẽ “làm xấu đi đáng kể” mối quan hệ với Nga. Thượng nghị sĩ hàng đầu nói thêm, thiệt hại sẽ xảy ra ngay cả khi Helsinki lùi bước và cố gắng “khắc phục” tình hình.
Phần Lan đã phân bổ tổng viện trợ quân sự trị giá 1,8 tỉ euro (1,95 tỉ USD) cho Ukraina trong cuộc xung đột với Nga. Tuy nhiên, Helsinki hiếm khi tiết lộ nội dung thực tế của các gói hàng mà chỉ công khai việc giao một số phương tiện phá mìn hạng nặng Leopard 2R, vũ khí phòng không và các thiết bị khác.
Các loại vũ khí do Phần Lan sản xuất đã nhiều lần được phát hiện trong kho của lực lượng Ukraina, theo các đoạn phim chưa được xác minh lan truyền trên mạng. Lực lượng của Kiev đã sử dụng các xe bọc thép chở quân hiện đại thuộc dòng Pasi, một số chiếc đã bị lực lượng Nga phá hủy.
Các khí tài khác có nguồn gốc từ Phần Lan bao gồm 23 khẩu pháo phòng không Itk 61 cũ cũng như 120 khẩu súng cối kéo Krh 85 92 đã được quân đội Phần Lan loại bỏ vào đầu những năm 2000.
Phần Lan chính thức gia nhập NATO vào năm ngoái, chấm dứt chính sách trung lập lâu nay và trở thành thành viên thứ 31 của khối quân sự do Mỹ đứng đầu. Thụy Điển sẽ trở thành thành viên thứ 32 sau khi Hungary chấp thuận cho Stockholm gia nhập vào đầu tuần này.