Chuỗi tăng điểm của thị trường chứng khoán được nối dài với phiên tăng điểm thứ 4 liên tiếp, nhưng điểm chung đều có thanh khoản ở mức thấp và đều thấp hơn mức trung bình 20 phiên. Phiên hôm qua đã xuất hiện áp lực bán chốt lời ở ngưỡng quanh mốc 1.280 điểm, nhưng dường như áp lực bán chưa quá lớn nên đóng cửa VN-Index vẫn duy trì được sắc xanh.
Việc thanh khoản chưa có sự cải thiện trong khi thị trường chung cứ nhích tăng điểm dần đang thử thách sự kiên nhẫn của những người đứng ngoài quan sát. Mặc dù nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn vẫn đang giữ nhịp chính cho thị trường, lực cầu tạm thời vẫn chưa có sự lan tỏa rộng và rủi ro đảo chiều vẫn đang hiện hữu khi chỉ số tiến lên vùng cản gần.
Các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Asean đưa ra khuyến nghị, dòng tiền vẫn tiếp tục duy trì sự phân hóa tại các cơ hội riêng lẻ, cho thấy sức cầu vẫn đang chủ động tìm kiếm cơ hội và thị trường đang dần cân bằng hơn qua từng phiên. Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn duy trì quan điểm việc hồi phục trong bốn phiên vừa qua là chưa đủ đồng thuận để thị trường đảo chiều và nhà đầu tư nên tiếp tục quan sát thêm diễn biến và chỉ mua khi thị trường tái kiểm định.
Trong nửa cuối 2024, nhóm phân tích của Công ty Chứng khoán MBS nhận thấy sẽ có nhiều yếu tố tác động tích cực đến thị trường. Từ vĩ mô, MBS kỳ vọng nền kinh tế sẽ tăng tốc trong 2 quý cuối năm, được thúc đẩy bởi sự phục hồi mạnh mẽ của xuất khẩu và cải thiện đầu tư (cả khu vực tư nhân và nhà nước). GDP năm 2024 dự kiến sẽ tăng trưởng 6,7% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn so với năm 2022 là 7,9% (nhưng cao so với mục tiêu của Chính phủ là 6,5%).
Bên cạnh đó, triển vọng vĩ mô phục hồi cho thấy sự cải thiện trong thu nhập dự phòng cho năm tài khóa 2024 – 2025, điều này sẽ báo hiệu tốt cho việc mở rộng thị trường hơn nữa.
Tuy nhiên, theo MBS vẫn có hai yếu tố có nguy cơ tác động tiêu cực đến thị trường. Thứ nhất, mặc dù nhóm phân tích nhận thấy áp lực lên đồng VND có thể giảm bớt trong nửa cuối năm 2024 do lập trường bớt cứng rắn của Fed vào khoảng quý III năm nay, nhưng sức mạnh của DXY (chỉ số đô la Mỹ) dự kiến sẽ duy trì trong suốt cả năm. Cùng với nhu cầu đồng USD tăng cao cho các hoạt động xuất khẩu, áp lực tỉ giá là rủi ro hàng đầu, điều này sẽ làm giảm sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài đối với thị trường Việt Nam.
Thứ hai, bất kỳ rủi ro tăng nào đối với lạm phát đều có thể khiến Ngân hàng Nhà nước chuyển hướng ưu tiên sang kiểm soát lạm phát hơn là kích thích kinh tế.
MBS tin rằng định giá của các cổ phiếu large-cap có vẻ hấp dẫn về tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận trong năm tài chính 2024-2025 so với các nhóm khác. Do đó, chiến lược đầu tư trong nửa cuối năm sẽ là tập trung vào nhóm cổ phiếu vốn hoá lớn. Nhìn chung, nhóm phân tích dự đoán VN-Index sẽ đạt 1.350 – 1.380 điểm vào cuối năm, sau khi tăng trưởng lợi nhuận 20% trong năm tài chính 2024 và mục tiêu P/E từ 12 đến 12,5 lần.