Cụ thể, danh sách do Vietbank mới công bố cho thấy ngân hàng này có 15 cổ đông tổ chức và 10 cổ đông cá nhân nắm trên 1% vốn điều lệ.
Ông Dương Nhất Nguyên – chủ tịch hội đồng quản trị và những người có liên quan trong gia đình là nhóm cổ đông nắm giữ số lượng cổ phiếu lớn nhất, với tỉ lệ sở hữu 11,89%.
Trong đó riêng ông Nguyên nắm hơn 27,89 triệu cổ phiếu, tương ứng 4,88% vốn, còn ông Dương Ngọc Hòa – cha ông Nguyên – nắm 3,81% vốn, tương đương hơn 21,74 triệu cổ phiếu.
Danh sách này không có tên bà Trần Thị Lâm – mẹ của ông Nguyên. Hồi tháng 3 năm nay, bà Lâm đã rời ghế phó tổng giám đốc Vietbank, chuyển sang giữ vai trò cố vấn cao cấp hội đồng quản trị.
Theo báo cáo quản trị 6 tháng đầu năm 2024, bà Lâm chỉ nắm 114.000 cổ phiếu, tương đương 0,02% vốn.
Trong khi đó bà Dương Mai Anh, Dương Bảo Anh – em gái ông Nguyên – có mặt trong danh sách vừa công bố, nắm lần lượt 1,76% và 1,42% vốn Vietbank.
Ngoài ra, bà Lương Thị Hương Giang – thành viên hội đồng quản trị VietBank – cũng nắm 6,84 triệu cổ phiếu, tương ứng 1,2% vốn điều lệ của nhà băng này.
Còn lại hầu hết lãnh đạo trong hội đồng quản trị như ông Nguyễn Hữu Trung – phó chủ tịch, bà Quách Tố Dung – thành viên… đều không nắm giữ cổ phiếu nào.
Về cổ đông tổ chức, trong danh sách có nhiều cái tên, nhưng đáng chú ý là Công ty cổ phần đầu tư phát triển Hoa Lâm.
Công ty này được biết đến là pháp nhân lõi trong hệ sinh thái Hoa Lâm, do vợ chồng bà Trần Thị Lâm sáng lập.
Nhìn chung, Tập đoàn Hoa Lâm không có quá nhiều thông tin xuất hiện trên các phương tiện truyền thông.
Năm 2019, Forbes Việt Nam từng bình chọn Tập đoàn Hoa Lâm là một trong 20 gia đình kinh doanh hàng đầu tại Việt Nam. Bà Lâm cũng góp mặt top 50 phụ nữ có tầm ảnh hưởng nhất Việt Nam.