SATRA đẩy mạnh liên kết, đồng hành cùng các tỉnh, thành

SATRA đẩy mạnh liên kết, đồng hành cùng các tỉnh, thành

8 tháng đầu năm 2024, ước tính tổng doanh thu của 56 nhà cung cấp đến từ các tỉnh/thành vùng Đông Nam Bộ trong hệ thống bán lẻ của Satra đạt khoảng 90 tỉ đồng. Trong 5.000 sản phẩm của vùng Đông Nam Bộ, riêng khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có 1.000 sản phẩm của 30 nhà cung cấp, doanh thu ước đạt hơn 20 tỉ đồng.

Theo đại diện SATRA, những con số này cho thấy chiến lược phát triển liên kết vùng đang phát huy lợi thế cạnh tranh của SATRA trong lĩnh vực sản xuất, bán sỉ-lẻ gắn xu hướng phát triển bền vững.

Mở rộng shiện diện của sản phẩm địa phương

Từ năm 2012, SATRA đã tích cực tham gia vào các chương trình liên kết vùng, đóng góp vào sự phát triển kinh tế – xã hội bằng cách khai thác tiềm năng và lợi thế của các địa phương trên khắp Việt Nam. Điều này phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế – xã hội tổng thể của cả nước, giúp TP.HCM và các tỉnh lân cận giải quyết các thách thức về đầu ra hàng hóa và thúc đẩy tăng trưởng.

Trong khuôn khổ nhiệm vụ này, SATRA đã triển khai nhiều hoạt động nhằm hỗ trợ phân phối các sản phẩm OCOP (Mỗi xã một sản phẩm) và hàng hóa đặc trưng vùng miền. Tập đoàn bán lẻ này tập trung giúp đỡ các hợp tác xã, nhà sản xuất và nông dân địa phương đạt tiêu chuẩn cần thiết để phân phối sản phẩm qua hệ thống bán lẻ rộng lớn của SATRA.

Các sản phẩm OCOP đặc biệt được ưu tiên trong hệ thống bán lẻ của SATRA, với khu vực trưng bày riêng biệt, giúp người tiêu dùng và du khách dễ dàng tiếp cận các đặc sản vùng miền này. Tính đến tám tháng đầu năm 2024, doanh thu từ các sản phẩm OCOP đã vượt qua 4,6 tỉ đồng, nhận được nhiều đánh giá cao về chất lượng và giá trị.

“Chúng tôi đã và đang đồng hành với chương trình liên kết hợp tác phát triển kinh tế – xã hội giữa TP.HCM và các tỉnh, thành phố thuộc Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Vùng Đông Nam Bộ, Vùng Đồng bằng Sông Cửu Long”, đại diện SATRA cho biết.

Hiện đã có khoảng 5.000 sản phẩm của 56 nhà cung cấp đến từ các tỉnh/thành vùng Đông Nam Bộ đã và đang bày bán tại Hệ thống bán lẻ SATRA, ước tính doanh thu 8 tháng đầu năm đạt hơn 90 tỉ đồng. Đối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long là 1.000 sản phẩm của 30 nhà cung cấp, doanh thu ước đạt hơn 20 tỉ đồng.

Sự kết nối giao thương với các tỉnh/thành trên cả nước đã đưa các sản phẩm địa phương, các sản phẩm đặc trưng vùng miền có thể tiếp cận thị trường TP.HCM một cách nhanh chóng, đáp ứng kịp thời nhu cầu ngày càng đa dạng và phát triển của người tiêu dùng tại khu vực phía Nam. 

Satra đẩy mạnh liên kết, đồng hành cùng các tỉnh, thành - Ảnh 2.

Tăng cường kết nối, nâng cao chất lượng sản phẩm

Dù đạt được nhiều thành tựu, đại diện SATRA nhìn nhận hệ thống vẫn đối mặt với một số thách thức. Nhiều nhà sản xuất và hợp tác xã tại các vùng liên kết vẫn hoạt động với quy mô nhỏ, năng lực sản xuất hạn chế. 

Tiêu chuẩn đóng gói thường không đạt yêu cầu, và các nhà sản xuất gặp khó khăn với logistics, dẫn đến gián đoạn chuỗi cung ứng và tăng giá bán cho người tiêu dùng. Ngoài ra, các nhà sản xuất OCOP chưa được biết đến rộng rãi, gây khó khăn trong việc chấp nhận sản phẩm trên thị trường.

Cùng với đó, người tiêu dùng vẫn chưa quen và chưa biết nhiều, hiểu rõ về sản phẩm OCOP nên chưa phân biệt và chấp nhận giá các sản phẩm này nhỉnh hơn so với các sản phẩm cùng loại. Các đơn vị sản xuất sản phẩm OCOP cũng chưa nắm rõ thông tin nên thường chưa chuẩn bị đủ hồ sơ liên quan đến sản phẩm khi đưa hàng vào hệ thống siêu thị.

Một số công ty, hộ kinh doanh, cơ sở sản xuất quy mô hoạt động còn nhỏ, năng lực cung ứng còn thấp nên gặp khó trong việc ổn định lượng hàng cung cấp. Các sản phẩm OCOP chưa có đầu tư nghiên cứu hình thức để thu hút người tiêu dùng.

Để giải quyết các thách thức này, SATRA đã đề xuất các tỉnh thành lập doanh nghiệp thương mại để tập trung sản phẩm OCOP và tối ưu hóa quá trình phân phối đến TP.HCM. Điều này sẽ giúp giảm chi phí logistics và quản lý hợp đồng với các nhà bán lẻ địa phương hiệu quả hơn.

Bên cạnh đó, SATRA cam kết tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà cung cấp OCOP như giảm chi phí vận chuyển, linh hoạt trong các điều khoản thanh toán và chia sẻ lợi nhuận. Tập đoàn bán lẻ này cũng tăng cường nỗ lực quảng bá sản phẩm OCOP thông qua mạng xã hội, website và ứng dụng di động, cũng như các chương trình khuyến mãi nổi bật tại các cửa hàng.

Các đơn vị trong hệ thống bán lẻ SATRA cũng sẽ ưu tiên bố trí vị trí trưng bày riêng cho nhóm sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc sản vùng miền, sản phẩm của các doanh nghiệp đạt chứng nhận xanh, sản phẩm “tíck xanh trách nhiệm” để người tiêu dùng dễ dàng nhận biết.

Ngoài ra nhà bán lẻ cũng sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có thể tổ chức giới thiệu, dùng thử sản phẩm để người tiêu dùng có thể trải nghiệm trước khi mua hàng. Ngoài ra, trên ấn phẩm cẩm nang mua sắm định kỳ SATRA sẽ dành chuyên trang để giới thiệu nhóm sản phẩm này.

Bằng cách thúc đẩy liên kết vùng, SATRA không chỉ củng cố chuỗi cung ứng mà còn đóng góp vào sự phát triển kinh tế – xã hội của cả nước, đảm bảo sự phát triển bền vững cho tất cả các bên liên quan.

“Với những giải pháp trên, chúng tôi đã kết nối và hợp tác hiệu quả với nhiều nhà cung ứng trên khắp cả nước để phân phối và tiêu thụ các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng vùng miền. Đây không chỉ là cơ hội để phát triển kinh tế của cả đôi bên, mà còn là cơ hội để góp phần bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa, truyền thống của từng tỉnh thành nói riêng và của cả Việt Nam nói chung”, đại diện SATRA cho biết.

HẢI KIM

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *