Công ty chứng khoán kiếm ngàn tỉ từ nghiệp vụ môi giới

Thị phần môi giới chứng khoán trên HNX biến động ra sao?

Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa công bố danh sách 10 công ty chứng khoán có thị phần môi giới lớn nhất trên thị trường cổ phiếu niêm yết, thị trường UPCoM trong quý 3-2024.

Theo bảng xếp hạng thị phần môi giới cổ phiếu niêm yết quý 3 này, chứng khoán VPS tiếp tục giữ vị trí quán quân với tỉ lệ 21,18%, “bốc hơi” hơn 3% so với quý liền trước. Trong khi quý 2 cũng đã chứng khiến sự sụt giảm của VPS. 

Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS) đứng vị trí thứ hai với 7,89%, nhích nhẹ so với quý trước đó. VNDirect, SSI, MBS lần lượt đứng thứ 3, 4 và 5, lần lượt nắm giữ 7%, 6,38% và 5,39% thị phần.

Nhìn chung, top 5 trên HNX không có sự thay đổi về thứ bậc, song hầu hết đều “vơi” bớt thị phần. 

Trong khi đó ở top 6, chứng khoán BIDV (BSC) “soán ngôi” chứng khoán Mirae Asset Việt Nam với 3,59%. Còn Mirae Asset Việt Nam từ thứ 6 trong quý 2 lùi về thứ 8 trong quý 3. Vietcap trụ lại ở vị trí cuối bảng xếp hạng top 10 với 3,06%.

Còn chứng khoán Vietcombank (VCBS) và FPTS đã “bật” khỏi bảng xếp hạng, trong khi quý 2 vẫn ở vị trí thứ 7 và 9.

Biến động trên bảng xếp hạng thị phần môi giới chứng khoán trên HNX qua các quý – Dữ liệu: HNX. Top 10 quý 3-2024 bổ sung hai cái tên mới là APG và Chứng khoán Bảo Việt.

Trên sàn UPCoM, thống kê cho thấy, VPS cũng giữ vị trí “áp đảo” khi thị phần nâng lên 30,77%, tăng hơn so với quý trước. Còn SSI đứng ngay sau với 6,87%.

Khá gay cấn, sàn UPCoM cũng chứng kiến sự thay đổi khá mạnh khi TCBS và MBS tăng hạng, còn VNDirect lùi xuống vị trí thứ 5. Trong khi Mirae Asset lần đầu tiên xuất hiện trong top 10 với thị phần 3,06%.

Đến thời điểm này, HoSE chưa công bố top 10 thị phần môi giới chứng khoán. Đây là sàn giao dịch lớn nhất Việt Nam, do vậy các thứ hạng cùng phần trăm thị phần môi giới do HoSE công bố sẽ là một chỉ tiêu quan trọng để đánh giá.

3 công ty chứng khoán “ôm” phần lớn thị phần đang kiếm bộn tiền ra sao từ môi giới?

Là đơn vị nhiều quý liên tiếp dẫn đầu thị phần môi giới cả trên HNX lẫn HoSE, không ngạc nhiên doanh thu nghiệp vụ môi giới chứng khoán của chứng khoán VPS luôn cao nhất thị trường.

Trong nửa đầu năm nay, doanh thu nghiệp vụ môi giới chứng khoán của VPS đạt 1.854 tỉ đồng, tăng 81% so với cùng kỳ trong bối cảnh thị trường diễn biến khá tích cực cùng thanh khoản cao.

Song chi phí cho môi giới của VPS cũng không nhỏ, đạt 1.488 tỉ đồng, tăng gần 78%. Như vậy, lãi thu được từ hoạt động này của VPS 366 tỉ đồng, tăng 95% so với cùng kỳ.

Điểm đáng lưu ý, VPS kiếm được lãi nhiều hơn từ mảng môi giới trong bối cảnh thị phần quý 2 của VPS trên sàn TP.HCM đã thu hẹp từ mức 20,29% về 18,16% – đánh dấu quý đầu tiên giảm sau 5 quý tăng trưởng liên tiếp. Tương tự trên sàn Hà Nội, thị phần VPS cũng giảm từ mức 24,71% về 24,2%.

Đã có một thời gian dài, VPS nổi tiếng trên thị trường với việc hy sinh lợi nhuận để đổi lấy thị phần. 

Tuy nhiên trong 6 tháng đầu năm nay, dù thị phần bị suy giảm nhưng biên lợi nhuận gộp từ mảng môi giới của VPS đạt 19,7%, cải thiện hơn so với cùng kỳ năm ngoái và các năm trước.

Đứng thứ hai về thị phần là SSI. 6 tháng đầu năm nay công ty này thu về 1.008 tỉ đồng từ mảng nghiệp vụ môi giới, tăng 70% so với cùng kỳ. 

Chi phí bỏ ra cho mảng này của SSI là hơn 700 tỉ đồng, tức lãi khoảng 300 tỉ đồng, tương ứng biên lợi nhuận gộp hơn 29%.

Là cái tên “áp đảo” trên thị trường cho vay khi đứng sau là Techcombank, chứng khoán Kỹ Thương (TCBS) chỉ thu về hơn 300 tỉ đồng mảng môi giới trong 6 tháng đầu năm, thua xa VPS và SSI.

Tuy nhiên, chi phí bỏ ra lại thấp hơn nhiều do tiết kiệm được nhân sự môi giới, áp dụng công nghệ vào giao dịch, biên lợi nhuận gộp mảng này của TCBS đạt 46% trong nửa đầu năm nay.

Song, dù ở tốp đầu về biên lợi nhuận gộp, nhưng TSBC cũng ghi nhận mức giảm đáng kể từ mức gần 90% năm 2020 về hơn 61% năm 2023 và tiếp tục giảm trong nửa đầu năm nay.

BÌNH KHÁNH

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *