Chiều 14-11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi).
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Lê Quang Mạnh đã trình bày báo cáo một số vấn đề lớn về giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự luật.
Đảm bảo tính chặt chẽ
Theo ông Mạnh, nhiều ý kiến cho rằng việc phân cấp thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm B, nhóm C từ HĐND sang UBND là thay đổi lớn, cần nghiên cứu đánh giá tác động kỹ lưỡng, toàn diện, đề nghị giữ như quy định hiện hành.
Một số ý kiến nhất trí với đề xuất phân cấp cho UBND các cấp như dự thảo luật và cho rằng quy định này sẽ giảm nhiều thủ tục hành chính, thu gọn đầu mối ra quyết định và chịu trách nhiệm.
Về nội dung này, ông Mạnh nói đúng như ý kiến đại biểu đã nêu, việc phân cấp cho UBND các cấp quyết định chủ trương đầu tư nhóm B, nhóm C do địa phương quản lý là thay đổi lớn từ thẩm quyền của HĐND các cấp sang UBND các cấp.
Tuy nhiên, theo báo cáo của Chính phủ, việc thay đổi về thẩm quyền đã được cân nhắc kỹ từ nhiều lý do.
Cụ thể, thực tế việc giao cho UBND quyết định chủ trương đầu tư dự án đã được quy định tại Luật Đầu tư công năm 2019.
Theo báo cáo của Chính phủ, trong giai đoạn 2021-2025, có 43 HĐND cấp tỉnh đã phân cấp quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm B, C cho UBND cùng cấp.
Về bản chất, quy định này chỉ thay đổi về cấp quyết định chủ trương đầu tư dự án từ HĐND cho UBND các cấp.
Các nội dung về việc phê duyệt đầu tư và tổ chức thực hiện dự án vẫn giữ nguyên so với quy định hiện hành.
Theo đó chủ tịch UBND các cấp vẫn quyết định đầu tư dự án và UBND các cấp vẫn là cơ quan chủ quản, chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện dự án; HĐND các cấp thực hiện giám sát quy trình tổ chức triển khai thực hiện.
Do đó về mặt năng lực tổ chức thực hiện, dự án vẫn do các cơ quan này bảo đảm như hiện tại.
Cùng với đó, để bảo đảm tính chặt chẽ, dự luật đã quy định điều kiện ràng buộc với việc quyết định chủ trương đầu tư dự án đầu tư công.
Theo đó một dự án nếu muốn được quyết định chủ trương thì phải bảo đảm phù hợp với các quy hoạch liên quan, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, bảo đảm nguồn vốn và khả năng cân đối vốn được cấp có thẩm quyền thông báo (đối với vốn ngân sách địa phương do HĐND các cấp thông qua), mà các nội dung này đều do HĐND là cơ quan quyết định.
Từ những lý do trên, cùng với tinh thần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, xin báo cáo Quốc hội cho phép quy định phân cấp cho UBND các cấp quyết định chủ trương đầu tư nhóm B, nhóm C do địa phương quản lý.
Thống nhất phạm vi sửa đổi luật
Nêu ý kiến thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết qua rà soát bước đầu, so với Luật Thủ đô mới, một số điều khoản của dự Luật Đầu tư công sửa đổi “thoáng” hơn. Do vậy, ông đề nghị có giải pháp quy định để phù hợp, thống nhất giữa 2 luật.
Giải trình sau đó, Phó thủ tướng Lê Thành Long tiếp thu và đề nghị cơ quan soạn thảo chủ trì phối hợp với cơ quan thẩm tra rà soát lại điều khoản nào trong dự Luật Đầu tư công sửa đổi “thoáng” hơn Luật Thủ đô để quy định thực hiện theo điều đó.
Kết luận nội dung này, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cơ bản thống nhất với phạm vi sửa đổi luật và với các nội dung lớn chỉnh lý theo đề xuất của cơ quan thẩm tra.
Đồng thời ghi nhận các ý kiến của Thường vụ, đại biểu Quốc hội để tiếp tục hoàn thiện dự thảo luật, đảm bảo có sự thống nhất, đồng thuận cao của các đại biểu khi trình xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 8…