Dù 29-11 mới diễn ra Black Friday nhưng từ trước đó các cửa hàng, trung tâm thương mại tại TP.HCM đã rợp biển giảm giá, đồng giá. Những tấm poster “Sale 50%”, “Giảm sâu tới 70%” phủ kín mặt tiền.
“Ngợp” với khuyến mãi
Thời điểm này đi dọc các cung đường như Lê Văn Sỹ (quận 3), Quang Trung (Gò Vấp), Võ Văn Ngân (TP Thủ Đức), Lý Thường Kiệt (quận 10) hoặc đến những trung tâm thương mại như Diamond Plaza, Vincom… dễ dàng nhận thấy “ngập trời” khuyến mãi.
Áp dụng giảm giá đến 40% cho hầu hết sản phẩm, ông Trần Hồng Quân, chủ cửa hàng thời trang Điển Quân (Gò Vấp), cho biết đây là đợt khuyến mãi thứ 5 và cũng là đợt lớn nhất năm của cửa hàng, những sản phẩm tồn kho thì mức khuyến mãi cao; còn hàng mới khuyến mãi thấp, trong đó đa số là quần áo nam.
Tương tự, áp dụng khuyến mãi Black Friday cả tuần nay với mức giảm giá đến 40-60% cho hàng nghìn sản phẩm thời trang, đại diện cửa hàng T.B. (đường Lý Thường Kiệt, quận 10) cho biết đơn vị dồn sức để khuyến mãi đợt này với mong muốn đẩy hết hàng tồn kho, sang năm nhập về hàng mới.
“Hàng cũ lỗi mốt nếu để càng lâu sẽ càng khó bán, lại bị giam chết vốn nên tôi đành khuyến mãi lớn, giá này coi như lỗ vốn”, vị đại diện này nói.
Trong khi đó, nhiều khu chợ đêm chuyên bán cho công nhân cũng hưởng ứng ngày Black Friday. Cụ thể, tại chợ đêm Linh Trung Bazaar (Thủ Đức), Hạnh Thông Tây (Gò Vấp) hàng trăm tiểu thương áp dụng khuyến mãi cho lượng lớn đồ thời trang, phụ kiện thời trang, điện thoại… Theo đó, mức giảm giá phổ biến 20-50%, quần áo nhiều sạp giá giảm còn 30.000 – 50.000 đồng, giày dép 50.000 – 150.000 đồng/sản phẩm.
“Sức mua chậm quá nên phải tìm chương trình khuyến mãi thôi. Gần hết năm rồi, đây là mùa mua sắm mạnh nhất nhưng không khuyến mãi thì rất khó bán”, một tiểu thương nói.
Tương tự, tại các trung tâm thương mại lớn như Diamond, Vincom (quận 1), Vạn Hạnh Mall (quận 10)… hầu hết các gian hàng, thương hiệu thời trang trong và ngoài nước đều áp dụng khuyến mãi dịp Black Friday với mức giảm phổ biến 20-40%, có nơi đến 70-80%, thậm chí “mua 1 tặng 1”, đặc biệt tập trung nhiều sản phẩm quần áo, giày dép, mỹ phẩm.
Không đứng ngoài cuộc, các siêu thị điện máy cũng quyết “chơi lớn” dịp này như Thiên Hòa, Điện Máy Xanh, Điện máy Chợ Lớn… áp dụng giảm giá 20-40% cho rất nhiều sản phẩm máy móc, vật tư điện lạnh…
Khách hàng thờ ơ, thất vọng vì khuyến mãi ảo
Dù khuyến mãi lớn, rầm rộ dịp này nhưng không ít khách hàng có tâm lý thờ ơ với các chương trình này, thậm chí thất vọng bức xúc vì gặp khuyến mãi ảo.
Chia sẻ với Tuổi Trẻ, bạn trẻ Võ Huy (ngụ TP Thủ Đức) cho biết từng là một trong những người “cuồng nhiệt” với Black Friday. Trước đây, Huy không ngại thức khuya, xếp hàng từ sớm để mua được những món đồ yêu thích với mức giá rẻ nhất.
Tuy nhiên, mọi thứ đã thay đổi kể từ sau đại dịch COVID-19. Huy bắt đầu chuyển dần sang mua sắm trực tuyến, tận dụng các đợt giảm giá trên các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada.
“Mình vẫn thích săn sale, nhưng giờ thì không còn chờ Black Friday nữa. Các ngày đôi như 9-9, 10-10 hay 11-11 luôn có nhiều ưu đãi, lại tiện lợi vì chỉ cần ngồi nhà mua”, anh cho biết.
Trong khi đó, cho rằng với sự bùng nổ của TikTok Shop khi áp dụng khuyến mãi quanh năm với các buổi mega livestream khiến bản thân không còn mặn mà với các khuyến mãi cuối năm, chị Nguyễn Bích Đào (TP Thủ Đức) cho biết săn giảm giá trên livestream thấy thực hơn Black Friday, giá giảm thật chứ không ảo.
“Không chỉ giảm giá sâu, nhiều nhãn hàng còn tặng quà hoặc miễn phí vận chuyển gần như liên tục. Do đó Black Friday hay khuyến mãi khủng cuối năm giờ chỉ còn là ngày khuyến mãi như bao ngày khác, không còn sức hút đặc biệt”, chị Đào nói.
Tương tự, chị Nguyễn Thị Linh (quận 10) cũng từng xem Black Friday là dịp không thể bỏ lỡ để săn hàng giá tốt khi thường dành thời gian dạo phố hoặc đến các trung tâm thương mại vào ngày này, vừa mua sắm vừa tận hưởng không khí nhưng giờ đã khác.
“Hai năm qua, từ trung tâm thương mại đến các sàn thương mại điện tử đều giảm giá quanh năm. Mình thường xuyên thấy các bảng hiệu giảm 50%, 70% nên riết rồi thấy cũng “nhờn” luôn”, chị Linh nhận xét.
Sức mua yếu vì thu nhập giảm
Bên cạnh đó, kinh tế khó khăn, lương thưởng giảm nên nhiều người dân cũng không dám mua sắm theo cảm hứng như trước.
Anh Nguyễn Vỹ (Bình Thạnh) nói: “Trước kia dư dả, mình có thể lượn siêu thị đi xem cái gì rẻ thì mua. Giờ khó hơn, mình theo dõi giá món đồ mình thích từ trước, đợi khi giảm sâu thật sự thì mua, vừa tiết kiệm tiền vừa tránh lãng phí”.
Trong khi đó, nhiều người tiêu dùng cho biết không ít lần gặp “sự cố” với các chương trình khuyến mãi, thậm chí mua rồi mới biết “không ngon như kỳ vọng”.
Từng không ít lần mua “hớ” hàng giảm giá, anh Nguyễn Văn Vũ (quận Bình Thạnh) xác nhận có không ít tình trạng nâng giá gốc rồi giảm lại nên mức giảm giá thực tế thấp hơn nhiều so với mức quảng cáo, đặc biệt đối với hàng thời trang.
“Tuần trước, tôi ghé một cửa hàng thời trang và thấy giá niêm yết của một chiếc áo sơ mi là 400.000 đồng nhưng nay quay lại bất ngờ khi thấy cũng cái áo này nhưng giá niêm yết là 600.000 đồng và người bán áp dụng khuyến mãi 50%, còn 300.000 đồng. Tính ra mức giảm thực tế là khá thấp, chứ không phải 50%”, anh Vũ thất vọng.
Tương tự, nhiều cửa hàng, thương hiệu thời trang lớn tại siêu thị mấy tháng qua áp dụng khuyến mãi “mua 1 tặng 1” như mua một áo thun giá 499.000 đồng sẽ được tặng áo cùng loại. Nhưng nhiều khách hàng đánh giá chiếc áo này nếu bình thường không thể có giá 499.000 đồng.