Ngành bán lẻ Việt Nam hiện đang đứng trước nhiều biến động lớn, khi các yếu tố như hành vi tiêu dùng thay đổi, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, và áp lực từ các đối thủ trong và ngoài nước đặt các doanh nghiệp vào tình thế phải đổi mới không ngừng. Nhận thấy những cơ hội và thách thức này, SATRA đã triển khai nhiều kế hoạch, chiến lược tái cơ cấu toàn toàn.
Trong đó, đặt mục tiêu tăng tỉ trọng hàng online, quy hoạch các cửa hàng bán lẻ, đầu tư xây dựng các kênh bán hàng, phát triển hệ thống logistics…
Tái cơ cấu mảng bán lẻ, xu hướng tất yếu
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong 10 tháng đầu năm nay đạt trên 5.200 nghìn tỷ đồng, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, mức tăng này vẫn chưa đạt được đà phục hồi mạnh mẽ như giai đoạn trước đại dịch COVID-19.
Điều này cho thấy thị trường bán lẻ trong nước dù đang duy trì mức phục hồi nhưng vẫn tương đối chậm, tạo nhiều thách thức cho ngành bán lẻ trong nước nói chung và các doanh nghiệp bán lẻ nói riêng.
Việt Nam, với dân số gần 100 triệu người và tầng lớp trung lưu đang mở rộng, là mảnh đất màu mỡ cho ngành bán lẻ. Song, chính sự hấp dẫn này cũng tạo nên áp lực cạnh tranh khốc liệt, đặc biệt với sự xuất hiện của nhiều thương hiệu quốc tế.
Đồng thời, người tiêu dùng ngày càng chú trọng vào tiêu dùng bền vững, cá nhân hóa sản phẩm, và yếu tố ESG, đòi hỏi các doanh nghiệp phải thay đổi để bắt kịp xu thế, thay đổi từng ngày cách vận hành của ngành bán lẻ.
Ông Lâm Quốc Thanh, tổng giám đốc SATRA, cho biết trước bối cảnh này, đơn vị đã đặt ra mục tiêu tái cơ cấu mảng bán lẻ, quyết tâm tạo thế và lực mới cho doanh nghiệp.
Ngay từ đầu, ban lãnh đạo SATRA đã có những đánh giá sát sao, cụ thể về hiệu quả hoạt động của từng mô hình bán lẻ, từng cửa hàng, ghi nhận những điểm mạnh và điểm yếu, những hạn chế cần khắc phục, để từ đó xây dựng kế hoạch, mục tiêu thực hiện.
SATRA cũng xác định rõ, tái cơ cấu mảng bán lẻ là một quá trình phức tạp đòi hỏi sự cẩn trọng và hoạch định chiến lược kỹ lưỡng, việc thực hiện phải đồng bộ, hiệu quả, phù hợp với thay đổi của ngành bán lẻ hiện đại nhưng cũng phải giữ được bản sắc và giá trị mà doanh nghiệp đã dày công gây dựng.
“Với sự đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ và logistics, SATRA có thể trở thành một trong những doanh nghiệp tiên phong trong xu hướng bán lẻ hiện đại, từ đó củng cố vị thế trên thị trường”, ông Lâm Quốc Thanh tin tưởng.
Định vị lại nhiều chiến lược kinh doanh
Tuy nhiên, việc thực hiện tái cơ cấu không hề đơn giản. Sự phức tạp của việc đồng bộ hóa các mảng kinh doanh, áp lực về nguồn vốn, và khả năng duy trì bản sắc doanh nghiệp là những thách thức lớn. Ngoài ra, tốc độ thay đổi nhanh của công nghệ và hành vi tiêu dùng đòi hỏi SATRA phải liên tục cập nhật và thích nghi.
Để giảm chi phí thuê mặt bằng, vốn là gánh nặng không nhỏ của doanh nghiệp, SATRA chủ trương chỉ tập trung theo mô hình khai thác mặt bằng có sẵn tại khu dân cư.
Theo đó, doanh nghiệp cũng sẽ kết hợp với cá nhân đầu tư sẵn mặt bằng để khai thác, vừa tận dụng lợi thế sẵn có vừa giảm rủi ro và giảm tăng chi phí không cần thiết.
Với các mặt bằng có sẵn, tổng công ty tập trung đẩy nhanh tiến độ cơ cấu lại, bao gồm hệ thống Satrafoods Hồ Chí Minh, Satra Cần Thơ. Với Trung tâm thương mại Võ Văn Kiệt chuẩn bị khai trương, SATRA đẩy nhanh tiến độ thực hiện thủ tục pháp lý, cùng đó nỗ lực đảm bảo phủ kín mặt bằng gian hàng.
Ban lãnh đạo của SATRA cũng đặt ra mục tiêu phát triển mạnh mô hình siêu thị trong trung tâm thương mại (TTTM), tận dụng lợi thế của các TTTM do chính SATRA đầu tư, song song đó là đẩy mạnh hoạt động cho thuê mặt bằng và quản lý theo hướng TTTM hiện đại.
Các quy trình tiếp nhận đơn hàng, xử lý đơn hàng, cam kết giao hàng kịp thời sẽ được ưu tiên.
Hiện tại, doanh thu từ kênh thương mại điện tử của Tổng Công ty còn khiêm tốn, nhưng thời gian tới, doanh nghiệp đặt mục tiêu nâng con số này lên cao theo xu thế được nhiều khách hàng lựa chọn.
Theo đó, bộ phận công nghệ thông tin có trọng trách tăng tốc hoàn chỉnh trang web sao cho bắt mắt, dễ truy cập, dễ tìm kiếm hàng hóa, giao diện theo trend…
Ban chỉ đạo phát triển logistics cũng sẽ được kiện toàn, phát huy tính sáng tạo trong xây dựng hệ thống kho bãi từ hệ sinh thái của SATRA, liên kết hợp tác nội bộ, tận dụng các kho của các công ty liên kết, trong đó ở khu vực hàng hóa miền Tây có kho Bình Điền.
“Ngoài ra, SATRA đang rà soát các mặt bằng của công ty có phần góp vốn để lên phương án làm kho trung chuyển, trước mắt sẽ tập trung kho trung chuyển cho hàng hóa từ miền Đông Nam Bộ”, ông Lâm Quốc Thanh cho biết thêm.
Nhằm xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với các nhà phân phối và các nhãn hàng, SATRA hướng đến việc xây dựng theo chuỗi, trong đó nhà cung cấp sẽ trang trí, quầy kệ; đàm phán lại các điều khoản mang lại hiệu quả cho hai bên.
Thời gian tới, SATRA sẽ ký kết với đơn vị tư vấn nghiên cứu thị trường nhằm khai thác nhu cầu tiêu dùng để có chiến lược kinh doanh phù hợp; xây dựng kênh bán hàng phù hợp với xu thế mới như livestream bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội.