Doanh nghiệp rang xay, hàng quán… ‘đau đầu’ với giá cà phê

Thông tin từ nhiều đại lý và nhà vườn cho biết chiều 4-12, giá cà phê được giao dịch quanh ngưỡng 108.000 – 111.000 đồng/kg nhân, giảm khoảng 17.000 – 21.000 đồng/kg so với cuối tuần trước. Giá cà phê tươi cùng lùi về mức 21.000 – 22.500 đồng/kg, giảm 7.000 – 8.500 đồng/kg.

Tuy nhiên, mức giá này vẫn cao gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái và gần gấp ba lần so với mức phổ biến các năm trước, giúp nông dân trồng cà phê có được mức lợi nhuận tốt. Ngược lại, nhiều cửa hàng bán cà phê, doanh nghiệp rang xay cà phê gặp khó bởi giá đầu vào tăng cao nhưng không dám tăng giá do lo ngại khách hàng quay lưng.

Ông Nguyễn Tấn Linh, chủ quán cà phê Linh Rosi (Phan Văn Trị, quận Gò Vấp, TP.HCM), cho biết giá cà phê hạt được quán mua về tự rang xay đã lên tới 280.000 đồng/kg, tăng 90.000 đồng/kg so với đầu năm và tăng gần gấp đôi so với năm trước. “Giá cà phê nguyên liệu tăng khủng như vậy nhưng tôi chỉ dám tăng nhẹ giá bán để giữ chân khách hàng”, ông Linh nói.

Nhiều chủ quán cho biết không dám điều chỉnh tăng giá bán cà phê mạnh như mức tăng giá cà phê hạt, nếu tăng cũng chỉ thêm khoảng 5.000 – 6.000 đồng/ly do lo ngại khách hàng quay lưng. Mà đâu chỉ giá cà phê hạt tăng, nhiều chi phí khác như mặt bằng, nhân công… cũng tăng khiến các chủ quán đau đầu.

“Thay vì tăng giá theo giá nguyên liệu, chúng tôi chỉ tăng giá nhẹ và giảm bớt lượng cà phê trong một ly so với bình thường, thậm chí phối trộn thêm các nguyên liệu khác để tiết giảm chi phí. Như vậy vừa giữ được khách hàng và tôi cũng có được lợi nhuận dù khiêm tốn”, chủ một quán cà phê cho biết. Trong khi đó nhiều cửa hàng, hệ thống thương hiệu đồ uống lớn cũng cho biết chưa dám tăng giá bán cà phê do lo khách quay lưng.

Nhiều doanh nghiệp chế biến cà phê cũng cho biết đang đau đầu với giá cà phê nguyên liệu. Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 1-12, ông Nguyễn Ngọc Luận – giám đốc Công ty Liên kết thương mại toàn cầu (TP.HCM) – cho biết giá cà phê nguyên liệu loại ngon (cà phê hạt) được đơn vị mua vào là 180.000 đồng/kg, tăng mạnh so với đầu năm, gần gấp đôi mức bình quân năm ngoái khiến việc sản xuất gặp nhiều khó khăn.

Trong khi đó, theo cam kết tại hợp đồng, giá cà phê xuất khẩu không thể tăng quá 4-5% nên doanh nghiệp vẫn đang “gồng”. “So với đầu năm, chúng tôi chỉ điều chỉnh tăng giá 5% với khách cũ và 10% cho khách mới”, ông Luận nói.

NGUYỄN TRÍ

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *