Cá ngừ đóng hộp Việt Nam đang là ‘ngôi sao’ tại Mỹ

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), sau gần nửa năm sụt giảm liên tục, xuất khẩu cá ngừ đóng hộp của Việt Nam sang Mỹ đã tăng trở lại từ tháng 10-2024. Lũy kế 10 tháng đạt hơn 87 triệu USD, tăng 17% so với cùng kỳ.

Mỹ là thị trường hấp dẫn với sản phẩm thủy sản xuất khẩu của nhiều quốc gia, nhưng vì đâu cá ngừ chế biến Việt Nam vươn lên và nằm trong top tại Mỹ?

Vượt qua Thái Lan, sánh ngang Hàn Quốc

Theo VASEP, năm 2022 là thời gian đỉnh điểm của thị trường Mỹ khi nhập khẩu phân khúc cá ngừ đóng hộp. Nhưng đầu năm 2024, xứ sở cờ hoa nhập khẩu cá ngừ đóng hộp chỉ ở mức tương đương so với cùng kỳ. Chính vì vậy, cá ngừ Việt xuất sang Mỹ cũng biến động.

Tuy nhiên, theo VASEP dẫn lại, các nhà sản xuất đồ hộp Mexico, Indonesia và Ecuador cũng đang bị mất thị phần tại thị trường Mỹ. Trong đó, nhập khẩu từ Indonesia sụt giảm liên tục trong 3 năm qua.

Tại thị trường Mỹ, nước dẫn đầu là Mexico. Việt Nam hiện vượt qua Thái Lan và đang là nguồn cung cá ngừ đóng hộp lớn thứ 2, chiếm hơn 17% tổng khối lượng nhập khẩu của nước này.

Ngày 11-12, ông Trương Đình Hòe, tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, chia sẻ với Tuổi Trẻ Online các nhà chế biến đồ hộp ở châu Á đang mở rộng thị trường tại Mỹ trong năm 2024. Ông Hòe dẫn chứng Thái Lan vẫn là nguồn cung cá ngừ đóng hộp lớn nhất cho Mỹ. Rất nhiều doanh nghiệp Thái đầu tư sản phẩm phân khúc này.

“Nhưng lượng cá ngừ đóng hộp nhập khẩu từ Thái Lan vào Mỹ năm nay chỉ ở mức tương đương so với cùng kỳ. Trong khi đó, Mỹ lại tăng nhập khẩu từ Việt Nam và Hàn Quốc. Với cá ngừ đóng hộp của Việt Nam, Mỹ là thị trường tiêu thụ lớn nhất, hiện chiếm 36% tổng kim ngạch xuất khẩu”, ông Hòe thông tin.

Doanh số bán lẻ thủy sản ở Mỹ tăng, tăng cơ hội xuất khẩu

Theo nhiều doanh nghiệp, Mỹ là thị trường hấp dẫn với thủy sản Việt Nam. Trong khi các nhà chế biến đồ hộp ở châu Á đang mở rộng thị trường tại Mỹ trong năm 2024, để cạnh tranh doanh nghiệp Việt đã chỉnh giá bán ở thị trường này thấp hơn “đối thủ”, dao động trung bình ở mức 4.670 USD/tấn.

Theo VASEP thống kê, trong hơn 140 doanh nghiệp Việt, có 6 doanh nghiệp lớn xuất khẩu cá ngừ đóng hộp sang Mỹ, chiếm tỉ lệ cao nhất 46% thị phần là Công ty TNHH Highland Dragon, tiếp đến là các doanh nghiệp như: Công ty TNHH Toàn Thắng, Công ty TNHH Tín Thịnh, Công ty CP Thương mại Kiên Giang, Công ty CP Cá ngừ Hạ Long, Công ty CP FOODTECH.

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) khi đánh giá về triển vọng kinh tế, cho rằng nền kinh tế Mỹ đang phục hồi và nâng dự báo tăng trưởng kinh tế của Mỹ trong năm 2024 và 2025.

Trong đó, tiêu dùng nội địa tại Mỹ cao hơn và dự kiến tiếp tục tăng, kéo theo doanh số bán lẻ thủy sản tại Mỹ đang tăng lên, thời gian tới sẽ thúc đẩy nhập khẩu thủy sản, bao gồm cả cá ngừ.

Nhìn nhận cơ hội này, ông Nguyễn Anh Dung (doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản ở TP Nha Trang) thừa nhận sắp tới sẽ có cơ hội lớn không riêng cá ngừ đóng hộp, mà thủy sản Việt nói chung. 

Tuy nhiên, giữa cơ hội và lợi nhuận thực tế mang về cho doanh nghiệp, ông Dung cho rằng… lợi nhuận sẽ “không xuất sắc” vì chi phí logistics tăng.

“Từ khi Tổng thống Donald Trump tái đắc cử, làn sóng thuế sẽ biến động nếu Mỹ áp thuế nhập khẩu 60-100% lên Trung Quốc và 10-20% lên các nước khác, khiến khách quốc tế tăng thu mua nhập khẩu để trữ hàng, tránh mức thuế cao. 

Nên cá ngừ đóng hộp đang lấy đà tăng trưởng cũng vì lý do này. Nhưng mà chi phí vận chuyển, phí tàu bãi… khiến lợi nhuận ở mức vượt trội thì không có”, ông Dung nói.

THẢO THƯƠNG

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *