TP.HCM góp ý phương án làm đường sắt Thủ Thiêm – Long Thành 3,4 tỉ USD

Về sự cần thiết đầu tư, UBND TP.HCM cho biết sân bay quốc tế Long Thành (giai đoạn 1) đang được thi công, dự kiến cơ bản hoàn thành và đưa vào khai thác giai đoạn 2025-2026.

Như vậy, việc nghiên cứu đầu tư đường sắt Thủ Thiêm – Long Thành là phù hợp với quy hoạch phát triển ngành giao thông vận tải đường sắt nói chung, vùng Đông Nam Bộ, dự thảo các đồ án TP.HCM đang triển khai nói riêng.

Hướng tuyến đề cập trong báo cáo cuối kỳ của báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án về cơ bản là phù hợp với nội dung quản lý không gian đô thị theo quy hoạch.

Vì vậy, TP thống nhất phương án bố trí tuyến đi “song song” và đi về phía nam của đường bộ cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây (sát phía ngoài cùng bên phải của đường bộ và đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam, theo hướng từ TP.HCM đi Đồng Nai) và đi “song song” về bên trái của đường vành đai 3 TP.HCM (phía bên ngoài của tuyến).

Về vị trí, UBND TP.HCM cho hay ga Thủ Thiêm là một trong những ga đường sắt đầu mối của TP.HCM, dành cho cả đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, đường sắt Thủ Thiêm – Long Thành.

Đồng thời, nhà ga có tổ chức kết nối đồng bộ và hiệu quả với metro số 2 – giai đoạn 2 (đoạn Bến Thành – Thủ Thiêm) và metro số 10 (tuyến metro vành đai ngoài). Do đó TP thống nhất vị trí đặt ga Thủ Thiêm với vai trò, tính chất giao thông quan trọng như đã được xác định trong quy hoạch.

Về quy mô, trước đây Bộ Giao thông vận tải đã có thông báo sẽ chủ trì nghiên cứu quy hoạch chi tiết khu vực ga đầu mối Thủ Thiêm để có cơ sở quản lý quy hoạch, thống nhất triển khai các dự án đầu tư với TP.HCM.

Vì vậy, Bộ Giao thông vận tải sớm hoàn thành công tác này để TP có cơ sở quản lý quy hoạch, triển khai các dự án phát triển đô thị liên quan khu vực xung quanh nhà ga.

Ngoài ra, trên địa bàn TP dự kiến còn được bố trí thêm 7 ga đường sắt nữa cho tuyến Thủ Thiêm – Long Thành (từ sau ga Thủ Thiêm) với khoảng cách từ 1-1,8km. Việc dự kiến bố trí các nhà ga với khoảng cách trung bình như trên về mặt nguyên tắc là hợp lý.

Tuy nhiên, TP đề nghị Ban Quản lý dự án đường sắt (chủ đầu tư) làm việc với TP Thủ Đức để được cung cấp các tài liệu quy hoạch phân khu và các định hướng quy hoạch liên quan.

Trên cơ sở đó, chủ đầu tư dự kiến bố trí vị trí, quy mô của từng nhà ga phù hợp với các quy hoạch phân khu của địa phương, tránh để phát sinh, điều chỉnh trong bước nghiên cứu sau.

ĐỨC PHÚ

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *