Chủ tịch công ty xây dựng ở TP.HCM nộp đơn từ nhiệm rồi bất ngờ rút lại

Cách đây 2 tháng, ông Đặng Lê Dũng – chủ tịch HĐQT Công ty CP Xây lắp thương mại 2 (ACS) – nộp đơn từ nhiệm chức chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện pháp luật công ty.

Ông Dũng chỉ nói vì lý do cá nhân nên muốn nghỉ. Nhưng bất ngờ, mới đây Công ty CP Xây lắp thương mại 2 lại nhận được đơn xin rút lại đơn từ nhiệm từ ông Dũng.

Lý do xin rút lại đơn từ nhiệm được ông Dũng cho biết vì đã sắp xếp được công việc và có nguyện vọng tiếp tục giữ chức vụ chủ tịch HĐQT, thành viên HĐQT và người đại diện pháp luật công ty.

Trước đó, ông Dũng được bổ nhiệm làm chủ tịch HĐQT ACS từ tháng 7-2020 và là một trong hai người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp này.

Được biết, HĐQT ACS đã triệu tập họp đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2024 vào ngày 19-11 để kiện toàn nhân sự cấp cao. Tuy nhiên đến ngày 18-11, HĐQT ACS lại có thông báo hoãn và lùi họp đại hội đồng cổ đông bất thường sang ngày 11-12-2024.

Theo biên bản nghị quyết đại hội đồng cổ đông bất thường vừa diễn ra, cổ đông đã thông qua bầu ông Lê Đức Nguyên – phó chủ tịch thường trực HĐQT – làm chủ tịch hội đồng định hướng và kiểm soát chiến lược của ACS.

Đồng thời ACS cũng đã bầu bổ sung một thành viên HĐQT là bà Nguyễn Thị Tuyết Hồng – kế toán trưởng doanh nghiệp.

Báo cáo thường niên cho biết ACS vốn là doanh nghiệp nhà nước được thành lập bởi Bộ Nội Thương (nay là Bộ Công Thương).

Sau khi cổ phần hóa năm 2008, công ty không còn vốn nhà nước. 

Hiện vốn điều lệ của ACS là 40 tỉ đồng, có địa chỉ trụ sở ở quận Bình Thạnh, TP.HCM, ngành nghề chính xây dựng.

Từ năm 1994, ACS bắt đầu tham gia xây dựng các dự án có vốn đầu tư nước ngoài của Nhật Bản tại Khu chế xuất Tân Thuận, TP.HCM. 

Tiếp theo đó địa bàn của doanh nghiệp này đã mở rộng đến nhiều khu công nghiệp tại nhiều địa phương khác nhau.

Về tình hình kinh doanh, báo cáo tài chính năm 2023 đã kiểm toán cho biết ACS có doanh thu hơn 272 tỉ đồng, giảm nhẹ so với mức 278 tỉ đồng năm 2022. Lợi nhuận gộp của ACS sau khi trừ đi giá vốn được gần 31 tỉ đồng.

Song do doanh thu hoạt động tài chính giảm, trong khi vẫn chịu gánh nặng từ chi phí lãi vay, quản lý bán hàng, ACS lãi ròng vỏn vẹn hơn 19 triệu đồng.

Dù mức lãi không đáng kể nhưng năm 2023 vẫn được coi là tích cực hơn năm 2022 với mức lãi sau thuế gần 8 triệu đồng.

Kết quả kinh doanh của ACS suy giảm mạnh kể từ năm 2021 đến nay. Giai đoạn trước đó, ACS vẫn ghi nhận mức lãi hàng tỉ đồng. Như năm 2020, doanh nghiệp xây dựng này lãi sau thuế gần 12 tỉ đồng.

BÌNH KHÁNH

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *