Từ vụ VF8 dừng chạy Xanh SM: Dùng ô tô sang chạy taxi làm giảm giá trị xe?

Tỉ phú Phạm Nhật Vượng bất ngờ khi quyết định rút mẫu xe điện cao cấp VF8 khỏi dịch vụ taxi cao cấp của Xanh SM, một động thái khiến cộng đồng tranh luận sôi nổi.

Dùng xe sang chạy taxi làm “loãng” giá trị xe?

Theo thông cáo chính thức từ đại diện của tỉ phú Phạm Nhật Vượng, cho biết lý do chính của quyết định này là nhằm tái định vị VF8 trong phân khúc xe cao cấp, bảo vệ giá trị thương hiệu của sản phẩm. 

Ban đầu, việc đưa VF8 vào dịch vụ taxi cao cấp được xem là cơ hội để khách hàng trải nghiệm một chiếc xe sang trọng, hiện đại và đầy đủ tiện nghi.

Quyết định dừng kinh doanh VF8 làm taxi được đánh giá là quyết định đúng đắn để bảo vệ giá trị của VF8. 

Ở Việt Nam, taxi vẫn được coi là phương tiện công cộng phục vụ tất cả các tầng lớp, không giống như ở các quốc gia phát triển, nơi taxi cao cấp phục vụ nhóm khách hàng đặc biệt.

Các chuyên gia cho rằng mặc dù ở các thị trường châu Âu hay UAE xe sang như Mercedes S-Class, BMW hay thậm chí Lamborghini được sử dụng làm taxi. Ở những quốc gia này, taxi cao cấp phục vụ nhu cầu của một nhóm khách hàng riêng biệt, giàu có.

Điều này khác biệt hoàn toàn với thị trường Việt Nam, nơi mà taxi chủ yếu phục vụ nhu cầu di chuyển phổ thông.

Các doanh nghiệp taxi truyền thống như Mai Linh hay Vinasun rất thận trọng khi kinh doanh các dòng xe cao cấp. Mặc dù Vinasun cũng cung cấp dịch vụ taxi với xe Lexus LX 570 hay Camry, nhưng phần lớn các mẫu xe này chủ yếu phục vụ các doanh nghiệp, ít khi phục vụ đại trà.

Định vị lại phân khúc xe chạy dịch vụ taxi hiệu quả 

VF8 là một chiếc xe cỡ lớn với chi phí vận hành cao nhưng không mang lại không gian vượt trội so với các mẫu xe khác như VF e34 hay VF5. Với mức giá từ 1,1 – 1,3 tỉ đồng, đắt gấp đôi các mẫu xe điện khác như VF5, VF e34 nên việc duy trì dịch vụ taxi với VF8 có thể không khả thi về mặt chi phí.

Tại Hà Nội, TP.HCM, giá cước của dịch vụ taxi cao cấp Xanh SM sử dụng VF8 là 21.000 đồng/km, cao hơn so với các mẫu xe điện khác như VF5 và VF e34.

Tuy nhiên, với chi phí vận hành và giá thành của VF8, dịch vụ này không thể mang lại lợi nhuận bền vững.

Có ý kiến cho rằng việc rút VF8 khỏi dịch vụ taxi cao cấp là bước đi cần thiết để giữ vững giá trị thương hiệu và tái khẳng định vị thế của mẫu xe này trong phân khúc cao cấp.

VinFast cũng cho biết sẽ thay thế VF8 bằng một mẫu xe nhỏ hơn, phù hợp hơn cho dịch vụ taxi, nhằm tối ưu hóa chi phí và nâng cao hiệu quả kinh tế.

M-Green, một dòng xe mới, sẽ được phát triển để phục vụ khách hàng kinh doanh dịch vụ taxi. Đồng thời VinFast cũng nghiên cứu các dòng xe Green khác như Hero Green, Neo Green và Limo Green, nhằm tạo sự khác biệt, tối ưu hóa chi phí vận hành.

Với những điều chỉnh này, nhiều ý kiến cho rằng chính sách thay đổi bất ngờ của tỉ phú Phạm Nhật Vượng không chỉ bảo vệ giá trị thương hiệu của VF8, mà còn mở ra hướng đi mới trong việc phát triển các dòng xe điện phục vụ dịch vụ taxi, với mục tiêu mang lại hiệu quả kinh tế bền vững hơn.

CÔNG TRUNG

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *