TS Nguyễn Hữu Huân (trưởng bộ môn tài chính Đại học Kinh tế TP.HCM):
Khu tài chính tự do – chìa khóa phát triển trung tâm tài chính quốc tế
Trong bối cảnh nhiều quốc gia đã thành công trong việc xây dựng trung tâm tài chính quốc tế như Singapore, Dubai hay Frankfurt, Việt Nam cần một hướng đi khác biệt để tạo lợi thế cạnh tranh. TP.HCM nên hướng đến mô hình trung tâm công nghệ tài chính (fintech) với sự kết hợp giữa tài chính truyền thống và công nghệ hiện đại.
Yếu tố then chốt để hiện thực hóa mục tiêu này là xây dựng khu tài chính tự do – nơi cho phép dòng vốn lưu chuyển tự do và linh hoạt.
Tại đây, các tổ chức tài chính và ngân hàng được phép giao dịch bằng USD và các ngoại tệ khác, thậm chí là tiền mã hóa như bitcoin hay crypto. Mô hình này đã được áp dụng thành công tại Singapore – nơi cho phép giao dịch đa tiền tệ như USD, euro bên cạnh đồng SGD.
Khu tài chính tự do sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước niêm yết cổ phiếu, trái phiếu để huy động vốn quốc tế. Nhà đầu tư nước ngoài sẽ mạnh dạn rót vốn hơn khi không phải lo ngại về chi phí chuyển đổi ngoại tệ và các rào cản về quản lý ngoại hối khi rút vốn hay chuyển lợi nhuận. Đồng thời, các công ty nước ngoài cũng được phép niêm yết tại đây thông qua hình thức niêm yết song song hoặc niêm yết chéo.
Để đảm bảo an ninh tiền tệ, dòng vốn từ Việt Nam chảy vào khu này cần được quản lý theo hạn ngạch (quota). Việc kiểm soát nên được thực hiện một cách linh hoạt trong giới hạn cho phép, tránh quá chặt chẽ làm giảm tính hấp dẫn của trung tâm tài chính.
PGS.TS Trần Hoàng Ngân (đại biểu Quốc hội):
Động lực phát triển mới của TP.HCM
TP.HCM đã chuẩn bị từ lâu cho việc trở thành trung tâm tài chính quốc tế. Với sự đồng thuận của Bộ Chính trị, thành phố đã có nền tảng vững chắc để hiện thực hóa mục tiêu này.
Để phát triển thành công trung tâm tài chính quốc tế, cần hội tụ năm yếu tố quan trọng.
Thứ nhất là môi trường pháp lý minh bạch, phù hợp chuẩn mực quốc tế với các chính sách ưu đãi hấp dẫn. Các nghị quyết về cơ chế đặc thù cần được xây dựng chi tiết, dễ triển khai và có tính khả thi cao.
Yếu tố thứ hai là đầu tư đồng bộ vào hạ tầng, bao gồm cơ sở vật chất, hạ tầng số, công nghệ tài chính, giao thông, sân bay và cảng biển. Singapore là điển hình thành công nhờ phát triển mạnh hệ thống cảng trung chuyển, logistics và hàng không quốc tế.
Ba yếu tố còn lại gồm: phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao thông qua thu hút chuyên gia trong và ngoài nước; tăng cường kết nối quốc tế với các trung tâm tài chính lớn trên thế giới; và đẩy mạnh phát triển công nghệ tài chính (fintech) cùng các start-up trong lĩnh vực này.
Cùng với quy hoạch thành phố giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, việc phát triển trung tâm tài chính quốc tế sẽ tạo động lực mới để TP.HCM tiếp tục đóng vai trò đầu tàu kinh tế của đất nước.
PGS.TS Hoàng Công Gia Khánh (hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế – Luật):
Sandbox – giải pháp đột phá cho fintech phát triển
Trong bối cảnh công nghệ tài chính đang định hình lại tương lai của ngành dịch vụ tài chính, TP.HCM đang hướng đến việc trở thành trung tâm fintech (fintech hub) thông qua phát triển hệ sinh thái và thúc đẩy đổi mới sáng tạo, thay vì theo đuổi mô hình trung tâm tài chính truyền thống vốn đã có sự cạnh tranh gay gắt.
Thực tiễn cho thấy nhiều mô hình kinh doanh và dịch vụ mới xuất hiện chưa có trong khung pháp lý hiện hành.
Để cân bằng giữa mục tiêu thúc đẩy đổi mới sáng tạo với việc bảo vệ thị trường và người dùng, cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) được xem là giải pháp then chốt.
Sandbox cho phép “miễn trừ” một số quy định pháp luật trong khuôn khổ được kiểm soát, vừa tạo điều kiện cho đổi mới sáng tạo vừa hạn chế rủi ro cho người dùng cuối.
Để phát triển thành fintech hub, TP.HCM cần tập trung vào một số yếu tố quan trọng. Thứ nhất là xây dựng cộng đồng khởi nghiệp fintech sôi động thông qua việc thiết lập không gian chung và các chương trình hỗ trợ liên tục. Thứ hai là ban hành chính sách thu hút đầu tư từ các công ty uy tín và vốn đầu tư thiên thần, tăng cơ hội tiếp cận vốn mạo hiểm cho start-up.
Kinh nghiệm từ Singapore và London cho thấy sự cam kết chính trị mạnh mẽ và vai trò chủ động của cơ quan quản lý là yếu tố then chốt tạo lợi thế cạnh tranh. Song song đó, thành phố cần có chính sách thu hút nhân lực quốc tế trình độ cao, đồng thời đầu tư vào giáo dục để phát triển nguồn nhân lực chất lượng nội địa, đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành fintech.