Cũng trong 2 tháng đầu năm nay, tổng thu ngân sách nhà nước của TP.HCM đạt 108.799 tỉ đồng, chỉ tăng 7,1% so với cùng kỳ. Trước đó, TP.HCM đã mất vị trí quán quân thu ngân sách năm 2024 vào tay Hà Nội.
Số liệu của Bộ Tài chính cũng cho thấy từ năm 2020 đến nay, số thu ngân sách của Hà Nội tăng mạnh, trong khi số thu ngân sách của TP.HCM có dấu hiệu chững lại, thậm chí có năm bị giảm. Vì sao?
Sự phục hồi của Hà Nội sau dịch tốt hơn
Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Nguyễn Quốc Việt, phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách, cho hay nguồn thu ngân sách cả nước và theo từng địa phương năm 2024 chủ yếu là thu nội địa. Trong đó, hai nguồn thu tăng trưởng rất khá là thu từ thuế VAT và thuế thu nhập cá nhân. Đây là hai nguồn thu đến từ sự ổn định và phát triển của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh.
Việc mở rộng diện thu thuế và cơ sở thuế những năm gần đây đã làm tăng nguồn thu từ thuế VAT, thuế thu nhập kinh doanh của hộ kinh doanh và cá nhân kinh doanh, điều này bổ sung đáng kể vào thu ngân sách địa phương.
Cũng theo ông Việt, Hà Nội và một số địa phương phía Bắc có lợi thế gần với Trung Quốc nên các đầu mối kinh doanh, cá nhân kinh doanh trực tuyến trên các nền tảng thương mại điện tử nhiều hơn TP.HCM.
Từ sau dịch bệnh đến nay, cầu tiêu dùng cả nước chững lại. Tuy nhiên sự phục hồi tiêu dùng tại Hà Nội tốt hơn các địa phương khác.
Bên cạnh đó, lượng khách du lịch quốc tế đến Hà Nội trong năm 2024 phục hồi khả quan hơn TP.HCM. Điều này làm tăng nhu cầu tiêu dùng, góp phần tăng thu thuế và trợ cấp.
Một khoản thu khác là thu từ đất của Hà Nội lớn hơn TP.HCM. Nhiều dự án bất động sản của các chủ đầu tư tại Hà Nội triển khai khá tốt từ đầu năm 2024 đến nay. Hoạt động đấu giá đất của Hà Nội năm qua cũng nóng hơn TP.HCM.
“Khoản thu từ đất ở địa phương khá lớn, bổ sung cho nguồn thu ngân sách” – ông Việt nói.
Ông nhận định: “TP.HCM vẫn cho thấy là một đầu tàu kinh tế của cả nước. Quá trình phục hồi tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của TP.HCM gắn với sản xuất. Tỉ lệ thu thuế thu nhập doanh nghiệp của TP.HCM vẫn khá, bao gồm thuế của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), doanh nghiệp sản xuất nội địa”.
“Có thể thấy thu ngân sách Hà Nội tăng nhanh những năm qua phần lớn tăng thu từ hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nhờ cầu tiêu dùng phục hồi tốt hơn, thu từ đất nhiều hơn. Thu từ thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất nhập khẩu của Hà Nội chưa thể vượt TP.HCM”, ông Việt so sánh.
Một yếu tố khác theo vị chuyên gia này cần lưu ý là kết nối giao thông Hà Nội với các địa phương khác như Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên, Hưng Yên rất thuận lợi. Từ đó, nhiều doanh nghiệp hoạt động ở các địa phương lân cận nhưng lại đăng ký kinh doanh và đặt trụ sở ở Hà Nội, đóng thuế tại Hà Nội.
TP.HCM phải tận dụng cơ chế mới để tăng tốc
Cũng trao đổi với Tuổi Trẻ về vấn đề này, TS Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế, cho rằng không phải TP.HCM thụt lùi mà thu ngân sách của TP Hà Nội tăng rất nhanh trong những năm gần đây. Trong hơn 2 triệu tỉ đồng thu ngân sách những năm qua của cả nước, TP.HCM vẫn chiếm khoảng 1/4.
Con số thu ngân sách của TP.HCM năm 2024 đạt hơn 508.000 tỉ đồng không phải thấp, nhưng thu ngân sách của Hà Nội trong 2-3 năm gần đây tăng rất nhanh. Điều này trái ngược với nhiều năm trước thu ngân sách của Hà Nội thường kém xa TP.HCM. Theo ông Ánh, đây là do Hà Nội “chạy nhanh” chứ không phải TP.HCM “chạy chậm”.
Tuy nhiên, ông Ánh cũng chỉ ra tốc độ tăng trưởng kinh tế của TP.HCM từ sau dịch COVID-19 đến nay thấp, số lượng doanh nghiệp ở TP.HCM giải thể nhiều, điều này đã ảnh hưởng tới nguồn thu ngân sách chung của thành phố.
Trong khi đó, ông Nguyễn Mạnh Hùng (đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội) khẳng định trên cơ sở đề nghị của Chính phủ và TP.HCM thời gian qua, Quốc hội đã xem xét ban hành nghị quyết về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM (nghị quyết 98/2023).
Quốc hội cũng đã thông qua các cơ chế, chính sách để thực hiện các dự án cho TP.HCM như dự án đường vành đai 3. Hay mới đây là một loạt chính sách đặc thù để triển khai đường sắt đô thị, các dự án lớn trên địa bàn TP.HCM, chính sách đặc thù tháo gỡ vướng mắc các dự án, đất đai trong kết luận thanh tra tại TP.HCM, Đà Nẵng, Khánh Hòa…
“Quốc hội cũng đã xem xét, sửa đổi bổ sung các luật liên quan để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khó khăn về pháp luật, tăng cường phân cấp, phân quyền… Như vậy, có thể khẳng định về góc độ Quốc hội khi TP.HCM có vướng mắc hay đề xuất nội dung nào đều xem xét thông qua, gỡ vướng, tạo điều kiện”, ông Hùng nói.
Cũng theo ông Hùng, trong khi số thu ngân sách của Hà Nội tăng đều qua các năm, thậm chí Hà Nội đã vượt lên dẫn đầu cả nước về số thu ngân sách vào năm 2024, việc số thu ngân sách của TP.HCM tăng chậm, thậm chí có năm giảm, đòi hỏi TP.HCM cần rà soát lại tất cả xem lại khâu tổ chức thực hiện.
“Phải rà xem có vấn đề gì còn vướng mắc, khó khăn để khắc phục, điều chỉnh cũng như có giải pháp phù hợp để làm sao thúc đẩy phát triển”, ông Hùng đề nghị.
Đọc tiếp
Về trang Chủ đề