Doanh thu tăng phi mã, chưa thoát lỗ luỹ kế
Nổi lên như một xu hướng sau COVID-19, lọc máu ngừa đột quỵ dù là dịch vụ không được cấp phép nhưng vẫn được nhiều cơ sở y tế quảng cáo rầm rộ và lách luật để thực hiện.
Dù chi phí đắt đỏ, ẩn chứa nhiều nguy cơ mất an toàn, biến chứng với bệnh nhân, tuy nhiên, Công ty Cổ phần Quốc tế Việt Nam Nhật Bản (JVI) thường xuyên giới thiệu dịch vụ tại các kênh truyền thông và thực hiện môi giới đưa người đi nước ngoài lọc máu ngừa đột quỵ. Nhiều thông tin đã được Lao Động “hé lộ” trong bài viết Bên trong phòng môi giới đưa người đi nước ngoài lọc máu ngừa đột quỵ .
JVI được thành lập vào tháng 6.2014, có địa chỉ trụ sở chính tại quận Ba Đình, TP Hà Nội. Cập nhật tại tháng 10.2017, vốn điều lệ JVI đạt 10 tỉ đồng; trong đó, ông Đinh Ngọc Hải (sinh năm 1975) – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc JVI – sở hữu đến 90% cổ phần công ty.
Đến tháng 1.2019, tổng số lao động JVI chỉ có 15 người. Ngành nghề đăng ký chính là: Hoạt động của các phòng khám đa khoa, chuyên khoa và nha khoa (chi tiết: Hoạt động khám, chữa bệnh, tư vấn và chăm sóc sức khoẻ trong lĩnh vực y tế đa khoa và chuyên khoa do các bác sĩ và các chuyên gia y tế, các nhà phẫu thuật đảm nhận).
Sau nhiều thay đổi, đến tháng 8.2022, ông Phạm Xuân Đồng (sinh năm 1953) được giới thiệu đảm nhiệm vai trò Tổng Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật công ty.
Tính đến cuối năm 2022, ông Đinh Ngọc Hải nắm giữ 96% cổ phần công ty (tương ứng 9,6 tỉ đồng), bà Trần Thị Mai Dung nắm giữ 2% (tương ứng 200 triệu đồng) và bà Bùi Thị Thắm nắm giữ 2% còn lại (tương ứng 200 triệu đồng).
Đến đầu tháng 12.2023 vừa qua, JVI đã nâng tổng số lao động của mình từ 15 lên 30 người.
Đến cuối năm 2022, tổng tài sản của JVI đạt hơn 41 tỉ đồng, tăng mạnh so với con số gần 14 tỉ đồng cùng kì. Biến động này đến từ việc tiền và các khoản tương đương tiền tăng từ gần 6 tỉ đồng hồi đầu năm 2022 lên gần 23 tỉ đồng tại thời điểm kết thúc năm. Đồng thời, các khoản phải thu ngắn hạn cũng tăng từ gần 1 tỉ đồng lên hơn 10 tỉ đồng.
Đi kèm với đà tăng mạnh của tổng tài sản, nợ phải trả của công ty tại thời điểm kết thúc năm 2022 còn hơn 32 tỉ đồng, tăng khoảng 24 tỉ đồng sau 12 tháng. Chiếm chủ yếu là người mua trả tiền trước với 23 tỉ đồng.
Kết thúc năm 2022, doanh thu công ty đạt khoảng 58 tỉ đồng, gấp 11,6 lần so với con số hơn 5 tỉ đồng năm trước đó (2021). Đồng thời, JVI lãi sau thuế hơn 3 tỉ đồng, trong khi cùng kì lỗ sau thuế hơn 2 tỉ đồng.
Tuy nhiên, kết quả kinh doanh của JVI những năm trước đó có vẻ kém khả quan, khi tại ngày 31.12.2022, doanh nghiệp này đang lỗ lũy kế hơn 500 triệu đồng.
Chủ tịch JVI từng tham gia gọi vốn tại Shark Tank Việt Nam mùa 4
Ngoài ghi đậm dấu ấn của mình tại Công ty Cổ phần Quốc tế Việt Nam Nhật Bản, năm 2017, ông Đinh Ngọc Hải còn tham gia sáng lập Công ty Cổ phần Y học Tái sinh Việt Nam (JMV).
Ban đầu thành lập, JMV có vốn điều lệ 10 tỉ đồng, trong đó JVI góp 30%, ông Đinh Ngọc Hải góp 35% và cổ đông nước ngoài là ông Takaaki Matsuoka góp 35% còn lại.
JMV có địa chỉ tại quận Ba Đình, TP Hà Nội. Đăng ký ngành nghề kinh doanh chính là Nghiên cứu và phát triển thực nghiệm khoa học tự nhiên và kỹ thuật (chi tiết: Dịch vụ nghiên cứu và phát triển thử nghiệm đối với y tế).
Đáng chú ý, ông Đinh Ngọc Hải và Công ty Cổ phần Y học tái sinh Việt Nhật (JVM) từng xuất hiện trong Shark Tank Việt Nam mùa 4. Tại chương trình này, ông được khán giả ấn tượng bởi thái độ cứng rắn và khả năng đàm phán.