Tăng trưởng xanh và phát triển bền vững có quan hệ hữu cơ, mật thiết với nhau. Trong đó, tăng trưởng xanh là phương thức quan trọng để thực hiện phát triển bền vững. Trong Chiến lược Phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021-2030 đã tiếp tục thể hiện khát vọng của Việt Nam hướng tới một quốc gia, một nền kinh tế phát triển bền vững.
Đề xuất các giải pháp tận dụng cơ hội phát triển bền vững, ông Trần Quốc Phương – Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất tận dụng các cơ hội phát triển bền vững như: Tiếp tục ưu tiên đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực, khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội đồng bộ, hiện đại để nâng cao năng suất, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững.
Quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên; tăng cường bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai; thúc đẩy phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Tăng cường hợp tác quốc tế để thúc đẩy thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.
Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, các giải pháp cũng cần tập trung vào việc tăng cường nâng cao nhận thức, thúc đẩy phối hợp, hợp tác giữa các bên liên quan để tạo sự lan tỏa trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững; bảo đảm mục tiêu phát triển bền vững là công việc của tất cả mọi người.
“Với nỗ lực của tất cả chúng ta, của các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức hiệp hội, các chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp quá trình thực hiện tăng trưởng xanh, phát triển bền vững ở Việt Nam sẽ đạt được những kết quả tốt đẹp trong thời gian tới, mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư” – Thứ trưởng Trần Quốc Phương tin tưởng.
Đóng góp ý kiến để phát triển bền vững bà Đoàn Vũ Uyên Duyên, Phó Tổng Giám đốc CTCP Thành Thành Công – Biên Hòa (TTC AgriS) chia sẻ, việc đầu tư cho nền tảng công nghệ là yếu tố giúp phát triển nông nghiệp bền vững tại TTC AgriS.
“Từ năm 2020, TTC AgriS tiến hành bước phát triển đầu tiên với việc thực hiện chuyển đổi số từ cuối tháng 10.2022, TTC AgriS chủ động chuyển đổi mô hình kinh doanh và quản trị. Với mô hình kinh tế nông nghiệp thông minh tích hợp của TTC AgriS mang đến lợi ích chung các bên liên quan như cho phép người nông dân sử dụng ứng dụng, xác định các thời điểm trong quá trình trồng trọt, tiếp cận các nghiên cứu nông học” – bà Uyên cho hay.
Đồng quan điển trên, ông Đào Xuân Lai – Trưởng ban Biến đổi khí hậu và Môi trường, UNDP Việt Nam cho rằng việc đầu tư phát triển bền vững đòi hỏi đầu tư ban đầu tương đối lớn. Tuy nhiên, về lâu dài khoản đầu tư sẽ giúp tiết kiệm chi phí kinh doanh.
Ông Lê Việt Anh – Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho rằng, các doanh nghiệp nên nhìn nhận đây không phải là khoản chi phí, mà là đầu tư cho tương lai. Khi đã rõ, nhận biết được tương lai và kiên trì thực hiện, thành quả mang lại sẽ lớn hơn nhiều chi phí đầu tư.