Như Lao Động đã thông tin, ngày 7.11.2023, Công ty TNHH Đầu tư thương mại dịch vụ KSP đấu trúng quyền khai thác mỏ cát Liên Mạc (Thượng Cát, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) với giá 408,290 tỉ đồng, cao gấp khoảng 200 lần mức giá khởi điểm mà Trung tâm Phát triển quỹ đất của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đưa ra (2,051 tỉ đồng).
Được biết, địa chỉ mỏ Liên Mạc (Thượng Cát) tại phường Liên Mạc, quận Bắc Từ Liêm, có trữ lượng cát 508.603m³.
Trong khi đó, Công ty TNHH Đầu tư thương mại dịch vụ KSP được thành lập vào cuối tháng 9.2023, địa chỉ trụ sở chính số 94 phố Trần Đăng Ninh, phường Phú La, quận Hà Đông, TP. Hà Nội.
Doanh nghiệp này đăng ký ngành nghề kinh doanh chính là khai thác đá, cát, sỏi, đất sét.
Vốn điều lệ ban đầu thành lập gần 10 tỉ đồng. Trong đó, ông Nguyễn Văn Phong (địa chỉ phường Định Công, quận Hoàng Mai, TP.Hà Nội) góp 52% vốn, ông Lê Sơn Tùng (địa chỉ xã Cao Viên, huyện Thanh Oai, TP. Hà Nội) góp 48%.
Đến tháng 10.2023, trước thời điểm tham gia đấu giá gần 1 tháng, Công ty TNHH Đầu tư thương mại dịch vụ KSP nâng vốn điều lệ lên 50 tỉ đồng.
Danh sách thành viên có thêm sự xuất hiện của ông Nguyễn Văn Định (địa chỉ tại xã Đại Thịnh, huyện Mê Linh, TP. Hà Nội) góp 5%, ông Đặng Hoàng Sơn (địa chỉ xã Di Trạch, huyện Hoài Đức, TP. Hà Nội) góp 12%. Trong khi đó, vốn góp của ông Nguyễn Văn Phong tăng lên 68% và ông Lê Sơn Tùng giảm về còn 15%.
Cập nhật tại ngày 9.11.2023, sau thời gian đấu giá 2 ngày, cơ cấu cổ đông Công ty TNHH Đầu tư thương mại dịch vụ KSP thêm một lần nữa có sự thay đổi. Cổ đông sáng lập là ông Nguyễn Văn Phong, cùng với hai cổ đông mới xuất hiện là ông Nguyễn Văn Định và ông Đặng Hoàng Sơn đã triệt thoái vốn khỏi công ty.
Lúc này, danh sách thành viên Công ty TNHH Đầu tư thương mại dịch vụ KSP bao gồm ông Lê Tùng Sơn sở hữu 16%, ông Nguyễn Văn Túc (địa chỉ xã Bình Dương, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc) nắm giữ 51% và bà Lê Khánh Linh (địa chỉ phường Tân Quang, TP. Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang) nắm giữ 33% còn lại.
Như vậy, sau khi trúng quyền khai thác mỏ cát Liên Mạc (Thượng Cát), thành phần của Công ty TNHH Đầu tư thương mại dịch vụ KSP có sự biến động lớn về cổ đông, khi có sự xuất hiện của hai cổ đông lớn có địa chỉ ở ngoại thành Hà Nội.
Trước đó, như Lao Động đã thông tin, ngoài mỏ cát trên, Trung tâm Phát triển quỹ đất của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cũng tổ chức đấu giá quyền khai thác 2 mỏ cát trên địa bàn TP gồm:
Mỏ Châu Sơn (xã Châu Sơn, huyện Ba Vì), trữ lượng cát được cấp quyền khai thác là 703.536m³, giá khởi điểm là 2,881 tỉ đồng, bước giá đấu 144 triệu đồng. Qua 89 vòng đấu giá, ban tổ chức xác định đơn vị trúng đấu giá với giá là 396,865 tỉ đồng, gấp hơn 137 lần giá khởi điểm. Doanh nghiệp vừa trúng đấu giá quyền khai thác đấu giá mỏ cát này là Công ty Cổ phần Đầu tư thương mại Việt Sơn.
Còn trúng đấu giá quyền khai thác đấu giá mỏ cát Tây Đằng – Minh Châu (huyện Ba Vì) với giá 883,930 tỉ đồng, gấp gần 46 lần giá khởi điểm là Công ty TNHH Thương mại Phúc Lộc Thịnh, có trụ sở tại thôn Vân Nghệ, xã Mai Động, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên.
Liên quan đến kết quả trúng đấu giá cấp quyền khai thác 3 mỏ cát Liên Mạc, Châu Sơn và Tây Đằng – Minh Châu cao gấp nhiều lần so với giá khởi điểm, có yếu tố bất thường. Ngày 12.11, Văn phòng Chính phủ cho biết, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 1087/CĐ-TTg về việc tăng cường quản lý công tác đấu giá quyền khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường.
Đáng chú ý, tại công điện này, Thủ tướng giao Chủ tịch UBND TP Hà Nội chỉ đạo rà soát toàn bộ quá trình khảo sát, đánh giá trữ lượng mỏ, lập hồ sơ và tổ chức đấu giá quyền khai thác ba mỏ cát ở huyện Ba Vì và quận Bắc Từ Liêm.