Tờ Business Insider đưa tin, các nền kinh tế mới nổi, như Trung Quốc và các đồng minh, đã tăng tích trữ vàng, nhưng họ không phải là những người mua vàng duy nhất.
Một cuộc khảo sát của Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) công bố tuần này cho thấy, ngay cả các ngân hàng trung ương từ các nền kinh tế tiên tiến cũng đang có kế hoạch mua vàng.
Kế hoạch tăng dự trữ vàng diễn ra ngay cả khi giá vàng giao ngay đang dao động ở mức kỷ lục, khoảng 2.330 USD/ounce, sau khi chạm gần 2.450 USD vào tháng trước.
Cuộc khảo sát của WGC, được thực hiện từ tháng 2 đến tháng 4 cho thấy, 29% trong số 70 ngân hàng trung ương – tỉ lệ lớn nhất mà WGC quan sát được kể từ năm 2019 – đang có kế hoạch mua vàng trong 12 tháng tới.
Trong số các ngân hàng trung ương, khoảng 15% số ngân hàng trung ương ở các nền kinh tế tiên tiến cho biết họ có kế hoạch làm như vậy – cũng là mức cao nhất kể từ năm 2019. Trong khi đó, khoảng 40% số ngân hàng trung ương tại các thị trường mới nổi cho biết sẽ mua vàng trong năm tới.
Lý do chính khiến các ngân hàng trung ương mua nhiều vàng hơn bao gồm tái cân bằng dự trữ và phòng ngừa rủi ro như lạm phát gia tăng, rủi ro với đồng USD và bất ổn thị trường.
8 trong số 20 ngân hàng trung ương cho biết, có kế hoạch mua thêm vàng cũng viện dẫn rủi ro kinh tế cao hơn ở các quốc gia sử dụng đồng USD, chẳng hạn như thâm hụt ngân sách ở Mỹ ngày càng tăng.
56% số ngân hàng trung ương từ các nền kinh tế tiên tiến cho hay, họ dự kiến tỉ trọng dự trữ toàn cầu của đồng USD sẽ giảm trong 5 năm tới. Gần 2/3 số ngân hàng trung ương ở các nền kinh tế mới nổi cũng kỳ vọng như vậy.
Cuộc khảo sát hàng năm của WGC phản ánh tâm lý của các ngân hàng trung ương trong bối cảnh thảo luận căng thẳng về vai trò thống trị của đồng USD với tư cách là tiền tệ dự trữ thế giới.
Cuộc thảo luận đã đạt được tiến triển sau các lệnh trừng phạt sâu rộng của phương Tây đối với Nga liên quan đến chiến dịch quân sự ở Ukraina từ năm 2022. Các quốc gia khác lo lắng rằng, họ cũng có thể bị loại khỏi hệ thống tài chính dựa trên đồng USD.
Nhưng đồng USD quá phổ biến và có sức lan tỏa trong hệ thống tài chính thế giới đến mức rất ít người nghĩ rằng nó có thể bị truất ngôi.
Mặc dù vậy, một nhóm các nước mới nổi lớn như BRICS đang nỗ lực tìm cách phi USD hóa.
Tuy cho đến nay đồng USD vẫn là đồng tiền thống trị nhất trong dự trữ ngoại hối của các ngân hàng trung ương thế giới, song tỉ trọng của đồng bạc xanh trong các khoản dự trữ này – sau khi điều chỉnh tỉ giá hối đoái và lãi suất – đã giảm từ hơn 70% năm 2000 xuống còn khoảng 55% trong quý IV năm 2023, theo báo cáo gần đây của Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF.
IMF gọi sự suy giảm tỉ trọng dự trữ toàn cầu của đồng USD là “sự xói mòn vô hình”.