Cách đây khoảng 2 tuần, gia đình ông Nguyễn Văn Rươl (huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang) thu hoạch 3 công sầu riêng với giá trung bình 65.000 đồng/kg. Mặc dù thời tiết nắng nóng gay gắt nhưng nhờ việc chăm sóc tỉ mỉ nên vườn sầu riêng của ông Rươl đảm bảo được năng suất.
Ông Rươl cho biết: “Vụ này tôi thu hoạch được hơn 3 tấn. Đối với giống Ri6, tôi bán giá 55.000 đồng/kg và monthong 70.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí lời gần 180 triệu đồng, hơn vụ trước 10 triệu đồng”.
Niềm phấn khởi càng đặc biệt hơn đối với ông Nguyễn Văn Nhuần (huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang) khi ông thu hoạch vụ đầu tiên sau 5 năm trồng và may mắn trúng mùa, được giá.
Trước đó, gia đình ông Nhuần đã chuyển đổi nhiều loại giống cây trồng từ cam, ổi đến xoài nhưng do lợi nhuận thấp nên chuyển sang canh tác sầu riêng.
“Thời tiết tháng 4, 5 nắng nóng, lúc đó sợ sẽ ảnh hưởng đến năng suất nhưng nhờ được bà con hướng dẫn kỹ thuật nên năng suất đảm bảo. Vụ này, tôi thu hoạch được 5 tấn, lời trên 200 triệu đồng” – ông Nhuần nói.
Sau 5 năm canh tác, dù nhận thấy sầu riêng là loài cây khó trồng, đòi hỏi kỹ thuật chăm sóc cao nhưng giá bán vẫn ở mức bình ổn, ông Nhuần quyết định tăng diện tích.
“Gia đình tôi có 10 công đất vườn, 5 năm trước chỉ mới chuyển 5 công trồng sầu riêng thí nghiệm, còn lại vẫn trồng cam, xoài. Sau vụ này thấy bán có lời nhiều, kỹ thuật chăm sóc cũng đã ổn tôi chuyển thêm 3 công nữa” – ông Nhuần cho biết.
Hơn chục năm trồng sầu riêng, chứng kiến cảnh thăng trầm của loại quả này qua từng năm, lão nông Nguyễn Văn Rươl hiện cân nhắc chưa trồng thêm mà tìm hiểu, học hỏi kỹ thuật sầu riêng cho trái nghịch mùa để nâng cao thu nhập.
“Theo tính toán của tôi, chi phí đầu tư khoảng 250-300 triệu đồng/ha/4 năm, thời gian cây cho trái lâu nên lợi nhuận cũng lâu để thu. Do đó, tôi không mở rộng diện tích trồng mà đi học hỏi kỹ thuật trồng sầu riêng cho trái nghịch mùa thì lợi nhuận sẽ cao hơn” – ông Rươl cho hay.
Theo rà soát sơ bộ mới đây của ngành Nông nghiệp Hậu Giang, diện tích trồng sầu riêng của tỉnh hiện ở mức gần 2.500ha, tăng hơn 600ha so với cùng kỳ. Hiện trên địa bàn tỉnh có nhiều loại cây ăn trái giảm diện tích khá mạnh so với cùng kỳ, riêng diện tích trồng cây sầu riêng tăng mạnh vì thời gian qua trái sầu riêng có giá bán ở mức cao.
Theo các chuyên gia nông nghiệp, sầu riêng là cây trồng khó chăm sóc, dễ mẫn cảm thời tiết và đòi hỏi kỹ thuật cao. Vì vậy, dù giá trị kinh tế của loại cây này mang lại hiệu quả cao song ngành chức năng khuyến cáo người dân cần cân nhắc kỹ trước khi mở rộng diện tích trồng để tránh tình trạng cung vượt cầu, gây thiệt hại không nhỏ cho người trồng.