Cho tới khi Thổ Nhĩ Kỳ trở thành thành viên của BRICS còn mất thêm nhiều thời gian nữa nhưng chỉ riêng việc Thổ Nhĩ Kỳ bày tỏ mong muốn tham gia BRICS đã đủ giúp nhóm này tăng thêm vị thế trong chính trị và kinh tế, thương mại thế giới, cũng như trong cuộc ganh đua vai trò và ảnh hưởng giữa nhóm BRICS và những tổ chức, thể chế đa phương hiện có nhưng do khối các nước phương Tây chi phối.
Nhóm BRICS nói chung, Nga và Trung Quốc – hai thành viên lớn của nhóm BRICS nói riêng – vì thế đặc biệt thiện chí và cởi mở với Thổ Nhĩ Kỳ trong vấn đề này.
NATO và EU rất quan ngại và hoàn toàn không thích thú việc Thổ Nhĩ Kỳ theo đuổi ý định gia nhập nhóm BRICS. Nhưng tham gia BRICS cả trên danh nghĩa lẫn trong thực chất lại chỉ lợi đơn ích kép đối với Thổ Nhĩ Kỳ. Tham gia nhóm BRICS, Thổ Nhĩ Kỳ vừa có sân chơi mới về chính trị, kinh tế và thương mại thế giới, vừa có thêm con chủ bài mới trong quan hệ với NATO và EU.
Con chủ bài mới này càng thêm đắc dụng khi khối phương Tây hiện xung khắc quyết liệt với Nga và Trung Quốc. BRICS tập hợp các quốc gia thành viên chứ không bao trùm lên các quốc gia thành viên như EU. Càng khó và lâu mới được gia nhập EU thì BRICS càng thêm hấp dẫn đối với Thổ Nhĩ Kỳ.
Tham gia nhóm BRICS giúp Thổ Nhĩ Kỳ giảm bớt mức độ lệ thuộc về chính trị, kinh tế và thương mại vào khối các nước phương Tây, tận lợi được nhiều nhất từ quan hệ với cả khối phương Tây và nhóm BRICS, lại còn không để thua kém các thành viên mới của BRICS ở khu vực xung quanh Thổ Nhĩ Kỳ là Ai Cập, Saudi Arabia và Iran.
BRICS sẽ tiếp tục thu nạp thành viên mới và Thổ Nhĩ Kỳ là một ứng cử viên sáng giá khi còn giúp BRICS phân rẽ nội bộ NATO và EU. Một khi vấn đề đã được đặt ra thì tương lai hiện dù còn xa rồi cũng sẽ thành gần.