Như Lao Động đã thông tin, Coteccons bất ngờ bị Ricons yêu cầu mở thủ tục phá sản vì việc tranh chấp hợp đồng kinh tế. Ngược lại, phía Coteccons thừa nhận có phát sinh các khoản công nợ với Ricons. Trong diễn biến mới nhất, bức tranh tài chính của hai doanh nghiệp này đã được hé lộ khi chính thức công bố báo cáo tài chính quý II/2023.
Cụ thể, trong quý vừa qua, CTCP Xây dựng Coteccons ghi nhận doanh thu tăng 10% so với cùng kỳ năm trước, lên 3.619 tỉ đồng. Do giá vốn bán hàng tăng lên 3.518 tỉ đồng đã kéo lợi nhuận gộp giảm 53% xuống 101 tỉ đồng.
Nhờ tiết giảm chi phí quản lý doanh nghiệp chỉ còn 1/3 so với cùng kỳ, tương đương 120 tỉ đồng (do giảm chi phí dự phòng) nên Coteccons thu về lãi sau thuế hơn 30 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 24 tỉ đồng. Từ đó đánh dấu quý lãi thứ 3 liên tiếp với con số liên tục tăng trưởng.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, Coteccons mang về 6.748 tỉ đồng doanh thu, cải thiện 30% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế tăng gấp 10 lần lên 52 tỉ đồng.
Trong khi đó tại báo cáo tài chính quý II/2023 của Ricons, công ty vẫn đang ghi nhận 322 tỉ đồng khoản phải thu với Coteccons, không có gì thay đổi so với thời điểm đầu năm.
Về tình hình kinh doanh, CTCP Đầu tư Xây dựng Ricons ghi nhận 2.102 tỉ đồng doanh thu trong quý II, sụt giảm 24% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận gộp vì thế chỉ còn chưa đầy một nửa cùng kỳ với 23 tỉ đồng.
Doanh thu hoạt động tài chính tăng 170% lên 27 tỉ đồng, đồng thời lãi từ công ty liên kết tăng đột biến gấp 30 lần cùng kỳ lên hơn 63 tỉ đồng.
Sau khi trừ đi các loại chi phí, Ricons báo lãi 52 tỉ đồng, tăng trưởng 93% so với cùng kỳ năm ngoái. Luỹ kế 6 tháng đầu năm, công ty đạt 3.821 tỉ đồng doanh thu và 68 tỉ đồng lợi nhuận ròng, lần lượt giảm 20% và tăng 42% so với cùng kỳ năm 2022.
Theo Chứng khoán VietCap, việc được trao gói 5.10 thuộc dự án sân bay Long Thành sẽ là yếu tố hỗ trợ đáng kể cho các nhà thầu trong nước trong bối cảnh thị trường bất động sản tư nhân trầm lắng. Gói thầu này tương ứng một khối lượng đơn đặt hàng tồn đọng (backlog) khá hấp dẫn, tương đương với 126% tổng giá trị hợp đồng ký mới hàng năm của Coteccons và Xây dựng Hòa Bình trong giai đoạn từ năm 2019 – 2022.
Ước tính tổng lợi nhuận tối đa cho 1 nhà thầu tham gia gói 5.10 sẽ khoảng 525 tỉ đồng. Mức lợi nhuận này là tương đối lớn so với lãi ròng trung bình hàng năm giai đoạn 2019 – 2022 của Coteccons (264 tỉ đồng), Xây dựng Hòa Bình (lỗ ròng 133 tỉ đồng) và Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (866 tỉ đồng).