27 tháng đã trôi qua kể từ khi cuộc xung đột giữa Nga và Ukraina nổ ra, trong suốt thời gian đó, nhiều rào cản về mặt chính trị đã bị phá vỡ.
Sau khi đẩy lùi cuộc tấn công ban đầu của Nga vào Kiev, Ukraina liên tục yêu cầu sự hỗ trợ từ các đồng minh phương Tây, đầu tiên là đạn dược, xe tăng, đến bom chùm, và sau đó là máy bay chiến đấu.
Mỗi lần như thế, phương Tây đều do dự, lo sợ về khả năng leo thang và phản ứng từ Nga. Cuối cùng, rào cản đã bị phá bỏ.
“Trong vài tuần qua, Ukraina đã yêu cầu chúng tôi cho phép sử dụng vũ khí được cung cấp để tự vệ trước cuộc tấn công của Nga và Tổng thống Joe Biden đã chấp thuận đề nghị đó” – Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết trong chuyến thăm Prague, thủ đô Cộng hòa Czech.
Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky đã ca ngợi chính sách này là một bước tiến, giúp nước này bảo vệ khu vực Kharkiv đang bị bao vây. Tuy nhiên, thực tế không hoàn toàn như vậy.
Adam Kinzinger – cựu thành viên Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ, và Ben Hodges – cựu chỉ huy lục quân Mỹ tại châu Âu cho rằng, Tổng thống Biden cần biết cách “bắt bài” Tổng thống Nga Vladimir Putin.
“Binh sĩ Ukraina kể rằng, lực lượng Nga tấn công, bị đẩy lùi rồi lại rút lui về lãnh thổ Nga an toàn để tập trung, ăn uống, lên kế hoạch và tấn công trở lại. Chắc chắn rằng Ukraina không thể thắng khi Nga có thể tấn công các mục tiêu dân sự một cách trắng trợn và tự cho mình quyền nghỉ ngơi trên lãnh thổ của họ” – 2 tác giả viết trên CNN.
Bên cạnh đó, Mỹ vẫn không cho phép Ukraina sử dụng loại vũ khí mạnh nhất mà họ được cung cấp để tấn công vào lãnh thổ Nga: Tên lửa tầm xa ATACMS có thể tấn công mục tiêu cách đó 300 km. Thay vào đó, Ukraina chỉ có thể sử dụng tên lửa tầm ngắn GMLRS, với tầm bắn khoảng 70 km.
Kateryna Stepanenko – nhà phân tích tại Viện Nghiên cứu Chiến tranh – cho biết, việc Mỹ “bật đèn xanh” sẽ làm suy yếu cuộc tấn công của Nga ở Kharkiv, nhưng vẫn không thể chạm đến phần lớn không gian an toàn của Nga.
“Mặc dù việc thay đổi chính sách giữa Mỹ và Ukraina có thể làm suy yếu cuộc tấn công của Nga ở Kharkiv nhưng nó vẫn chưa đủ để tạo ra bước ngoặt trong cuộc chiến. Đặc biệt là khi vùng hậu phương chiến lược và sâu trong lãnh thổ của Nga vẫn được bảo vệ”, bà Kateryna nhận định.
Mathieu Bouleque – nhà nghiên cứu tại Trung tâm Phân tích Chính sách châu Âu – cho biết, chính sách mới sẽ cho phép Ukraina tăng cường khả năng đẩy lùi các cuộc tấn công và phản công chủ động.
“Nó không phải là một bước ngoặt, mà là một sự bổ sung, một loại thuốc tăng lực cho Ukraina tự vệ”, ông nói.