
Trong số 40 quốc gia nói trên, đã có 7 nước nộp đơn đăng ký gia nhập BRICS trong năm nay. Các nước đang phát triển từ châu Á, châu Phi và Nam Mỹ nhận thấy việc gia nhập BRICS là có lợi và là lựa chọn phù hợp để giảm phụ thuộc vào đồng USD.
Tuy nhiên, thành viên BRICS là Ấn Độ dường như không quan tâm đến việc kết nạp thêm nhiều quốc gia khác vào khối trong năm nay. Ấn Độ được cho muốn giảm tốc độ kết nạp các thành viên mới. Chỉ có Nga và Trung Quốc là mong muốn mở rộng BRICS và tạo ra đồng tiền chung để cạnh tranh với đồng USD và các chính sách đối ngoại của Mỹ.
Một nguồn tin của tờ Businessline của Ấn Độ cho biết: “Ấn Độ muốn BRICS giữ lại bản chất ban đầu của mối quan hệ đối tác bình đẳng. New Delhi muốn có khoảng thời gian khoảng 5 năm trước khi kết nạp nhóm quốc gia thứ hai vào BRICS. Họ tin rằng cần có thời gian tối thiểu để BRICS điều chỉnh hoạt động của mình sau khi tiếp nhận các quốc gia mới vào đầu năm 2024. Họ đã nhấn mạnh điều này trong các cuộc họp gần đây của các quan chức cấp cao”.
Với khoảng 40 quốc gia đang xếp hàng để được gia nhập, vấn đề mở rộng hơn nữa BRICS có thể sẽ được đưa ra trong cuộc họp của các Bộ trưởng Ngoại giao BRICS tại Nizhny Novgorod, Nga, vào ngày 10-11.6.
Với 5 quốc gia ban đầu là Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi, BRICS đã kết nạp thêm 5 thành viên mới từ ngày 1.1.2024 – gồm Iran, Saudi Arabia, Ai Cập, UAE và Ethiopia. GDP của BRICS hiện đã chiếm khoảng 30% GDP toàn cầu, với 46% dân số thế giới.
Ngoài ra, BRICS là khối duy nhất đang tìm cách thiết lập đồng tiền chung hoặc giao dịch bằng nội tệ để đẩy nhanh nỗ lực phi USD hóa.
Theo tờ Businessline, đây sẽ là trận chiến khó khăn đối với Ấn Độ vì Trung Quốc và Nga được cho là sẽ khuyến khích sự mở rộng của BRICS.
Hơn nữa, hàng chục quốc gia đã bày tỏ nguyện vọng trở thành thành viên của BRICS và không muốn chờ đợi. “Ấn Độ có quan hệ ngoại giao tốt đẹp với hầu hết các nước đang phát triển muốn trở thành một phần của liên minh BRICS. Sẽ rất khó để bắt họ phải chờ đợi suốt 5 năm” – nguồn tin của Businessline nói thêm.