Trong tuần tới, bức tranh kết quả kinh doanh của những doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán sẽ dần được hé lộ. Ông Bùi Tiến Đức – Trưởng phòng tư vấn đầu tư tại Chứng khoán Mirea Asset – nhận thấy triển vọng kết quả kinh doanh sẽ chưa có nhiều khởi sắc mà nhà đầu tư nên nhìn xa hơn.
“Tôi đang kỳ vọng vào kết quả kinh doanh sẽ hồi phục vào quý III, IV không thể tốt ngay vào quý II này. Dòng tiền hiện đổ vào thị trường chứng khoán dựa trên kỳ vọng lãi suất giảm chứ không phải những con số tăng trưởng trong quý II” – ông Đức Cho biết.
Cụ thể, vị chuyên gia dự báo nhóm ngân hàng sẽ khó duy trì đà tăng trưởng trong quý II. Nếu ngân hàng ra con số không tăng trưởng so với cùng kỳ thì cũng không quá bất ngờ. Tuy nhiên vấn đề cần quan tâm là tỉ lệ nợ xấu sẽ tăng như thế nào và hoạt động trích lập dự phòng ra sao. Đặc biệt, nếu khoản lãi dự thu tăng đột biến sẽ rất nguy hiểm, bởi đây là dấu hiệu của nợ xấu.
Chuyên gia chia sẻ: “Không riêng quý này mà quý III, IV sắp tới, tôi chưa kỳ vọng nhiều vào đà tăng trưởng của nhóm ngân hàng. Bởi sau khi nền kinh tế gặp khủng hoảng về thanh khoản, các ngân hàng cần thời gian để củng cố sức mạnh nội tại. Chúng ta nên quan tâm đến nợ xấu, trích lập dự phòng và cách xử lý nợ xấu như nào”.
Với dự báo chính sách tiền tệ sẽ tiếp tục nới lỏng từ cuối năm 2023, bà Phan Thị Liên – Kinh tế trưởng Chứng khoán Tiên Phong (TPS) – đánh giá: “Lãi suất thấp hơn sẽ giúp cho nhiều dự án đáp ứng được chỉ tiêu tỷ suất sinh lời theo yêu cầu của chủ đầu tư. Do đó, số lượng doanh nghiệp quay lại vay vốn cũng sẽ nhiều hơn. Từ đó, ngành ngân hàng có thể ghi nhận những tác động tích cực”.
Về nhóm bất động sản, ông Bùi Tiến Đức chưa kỳ vọng nhiều vào doanh thu và lợi nhuận, mà sẽ quan tâm đến sức khoẻ tài chính. Ông nói: “Tháng 11 năm trước là đỉnh điểm của khủng hoảng thanh khoản. Tính đến nay đã hơn 2 quý trôi qua, doanh nghiệp bất động sản có thời gian để cơ cấu, xử lý những vấn đề nội tại. Những con số này cần được thể hiện rõ trong báo cáo tài chính quý II, đặc biệt là báo cáo kiểm toán, soát xét. Tôi kỳ vọng sức khoẻ tài chính của những doanh nghiệp bất động sản này cải thiện nhiều hơn so với quý đầu năm”.
Với nhóm sản xuất xuất khẩu, Kinh tế trưởng TPS cho rằng lãi suất giảm sẽ giúp các doanh nghiệp này có chi phí vốn rẻ hơn, cộng thêm giá nguyên vật liệu đầu vào đang đi xuống, năng lực cạnh tranh của các đơn vị này trên thị trường quốc tế theo đó cũng được cải thiện.
Đối với ngành sản xuất hàng tiêu dùng, việc lạm phát hạ nhiệt, lãi suất giảm xuống, sẽ giúp sức mua của người tiêu dùng lớn hơn. Kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp thuộc nhóm ngành hàng này theo đó cũng được thúc đẩy mạnh mẽ.