Như Lao Động đã thông tin, mới đây, Tổng Công ty Cổ phần thương mại Xây dựng (Vietracimex) đã có công bố thông tin bất thường về việc chậm thanh toán gốc, lãi 4 lô trái phiếu có mã lần lượt là WTOCH2126006, WTOCH2126007, WTOCH2126008, WTOCH2126009 với lí do chưa thu xếp được nguồn vốn.
Theo dữ liệu riêng lẻ của Vietracimex, tính đến cuối năm 2022, tổng nợ phải trả doanh nghiệp khoảng 20.335 tỉ đồng, tăng 8% so với cùng kì. Trong đó, nợ ngắn hạn còn 15.518 tỉ đồng, bao gồm: 9.696 doanh thu chưa thực hiện ngắn hạn, 3.827 tỉ đồng phải trả ngắn hạn khác, gần 1.183 tỉ đồng phải trả người bán ngắn hạn, vay nợ tài chính còn 571 tỉ đồng…
Trong khi đó, nợ dài hạn Vietracimex hơn 4.817 tỉ đồng, chiếm phần đa là nợ vay tài chính dài hạn với 4.810 tỉ đồng.
Như vậy có thể thấy, tại ngày 31.12.2022, nợ vay tài chính Vietracimex còn hơn 5.381 tỉ đồng, tương ứng với khoảng 26% tổng nợ phải trả của công ty. Được biết, trong năm 2022, Vietracimex đã chi hơn 600 tỉ đồng để trả tiền lãi vay.
Kết thúc năm 2022, tổng tài sản Vietracimex đạt 33.824 tỉ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2021. Bao gồm, tài sản ngắn hạn gần 11.036 tỉ đồng và tài sản dài hạn hơn 22.789 tỉ đồng.
Ở bên phía tài sản ngắn hạn, chiếm phần đa là các khoản phải thu ngắn hạn với 10.963 tỉ đồng. Dù đang phát triển dự án Kim Chung – Di Trạch, thế nhưng hàng tồn khi của Vietracimex chỉ nhỉnh hơn 5 tỉ đồng.
Phía bên dài hạn, chi phí xây dựng cơ bản dở dang có hơn 8.492 tỉ đồng. Ngoài ra, Vietracimex cũng đã chi hơn 11.284 tỉ đồng để đầu tư vào công ty con, công ty liên doanh liên kết, đầu tư vào đơn vị khác.
Tuy nhiên, nhìn vào bức tranh tài chính Vietracimex có thể thấy, tại ngày cuối cùng của năm 2022, nợ ngắn hạn (15.518 tỉ đồng) tại Vietracimex đã vượt tài sản ngắn hạn (11.036 tỉ đồng), đồng nghĩa với hệ số khả năng thanh toán hiện thời (tài sản ngắn hạn/nợ ngắn hạn) tại Vietracimex là 0,71.
Theo tiêu chí tài chính, hệ số khả năng thanh toán hiện thời nhỏ hơn con số 1 thể hiện khả năng trả nợ của doanh nghiệp yếu, là dấu hiệu báo trước những khó khăn tiềm ẩn về tài chính mà doanh nghiệp có thể gặp phải trong việc trả các khoản nợ ngắn hạn.
Khi hệ số càng gần về 0, doanh nghiệp càng mất khả năng chi trả, gia tăng nguy cơ phá sản.
Kết thúc năm 2022, doanh thu Vietracimex đạt 2.800 tỉ đồng, giảm 21% so với cùng kì. Thế nhưng, nhờ giá vốn bán hàng được tiết chế, doanh thu hoạt động tài chính tăng mạnh, giúp Vietracimex báo lãi sau thuế 194 tỉ đồng, cao gấp 12 lần so với năm 2021.
Vốn chủ sở hữu Vietracimex đạt 13.489 tỉ đồng, tăng 43% sau 12 tháng. Đáng chú ý khi luỹ kế đến ngày 31.12.2022, lợi nhuận chưa phân phối của Vietracimex gần 1.000 tỉ đồng.
Trước đó, vào khoảng tháng 2.2022, Vietracimex đã nâng vốn điều lệ lên mức 12.510 tỉ đồng, cơ cấu cổ đông không được tiết lộ. Ông Lê Tuấn Dũng giữ vai trò Tổng Giám đốc kiêm người đại diện công ty.
Vietracimex được biết đến với vai trò là chủ đầu tư của dự án Kim Chung – Di Trạch tại huyện Hoài Đức, TP Hà Nội.
Tiền thân của doanh nghiệp này là Công ty Vật tư thiết bị giao thông trực thuộc Bộ GTVT. Năm 2004, Thủ tướng cho phép thí điểm cổ phần hóa một số tổng công ty, trong đó có Vietracimex. Đến giữa năm 2006, tổng công ty này hoàn tất cổ phần hoá, chuyển sang hoạt động theo mô hình cổ phần, trong đó ông Võ Nhật Thăng nắm 93,37% vốn điều lệ.
Quá trình cổ phần hoá, năm 2016 Vietracimex bị Thanh tra Chính phủ kết luận là phạm nhiều khuyết điểm, vi phạm, tuy nhiên không đến mức xử lý hình sự.