Sau nhiều tháng đàm phán căng thẳng, liên minh ba bên của Thủ tướng Olaf Scholz tuần trước đã đồng ý về ngân sách thận trọng – điều mà ông Pistorius nói rằng không đạt được mục tiêu của đất nước là đầu tư nhiều hơn vào lực lượng vũ trang.
Theo ngân sách chính phủ đã thống nhất hôm 5.7, chi tiêu quốc phòng sẽ chỉ tăng 1,2 tỉ euro lên 53,2 tỉ euro vào năm tới, trong khi ông Pistorius yêu cầu tăng hơn 6 tỉ euro.
“Tôi nhận được ít hơn rất nhiều so với những gì tôi yêu cầu. Việc này khiến tôi khó chịu vì điều đó có nghĩa là tôi không thể bắt đầu một số việc nhất định” – tờ Financial Times đưa tin, dẫn lời ông Pistorius phát biểu từ Alaska (Mỹ) hôm 8.9, một ngày trước hội nghị thượng đỉnh NATO ở Washington D.C.
Ngân sách quân sự của các thành viên NATO sẽ là ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự của hội nghị thượng đỉnh nhân kỷ niệm 75 năm thành lập NATO. Cùng với đó là câu hỏi liệu các đồng minh châu Âu có làm đủ để ngăn chặn Nga trong tương lai một cách hiệu quả hay không.
Đằng sau cuộc tranh luận này là bóng ma về nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của ông Donald Trump – người trong nhiệm kỳ đầu tiên tại vị đã đe dọa rút Mỹ khỏi NATO do châu Âu chi tiêu quá thấp.
Đức – nền kinh tế lớn nhất châu Âu – trong nhiều năm đã chậm trễ trong việc đáp ứng mục tiêu chính của NATO về chi tiêu quân sự ở mức 2% GDP.
Sau khi xung đột Nga – Ukraina bùng phát vào năm 2022, Thủ tướng Scholz cam kết sẽ khắc phục điều mà ông nói là “zeitenwende – một bước ngoặt” đối với chính sách an ninh của Đức.
Berlin cho biết, nhờ nguồn tài trợ từ quỹ đặc biệt trị giá 100 tỉ euro mà họ đã tạo ra, quốc gia này sẽ lần đầu tiên vượt mục tiêu chi tiêu quốc phòng 2% GDP trong năm nay.
Nhưng theo Bộ trưởng Pistorius thì số tiền này vẫn chưa đủ. Ông chỉ ra rằng, quỹ đặc biệt sẽ hết vào năm 2027, có nghĩa là ngân sách quốc phòng thường xuyên cũng phải tăng đáng kể.
“Chúng tôi sẽ xem điều gì sẽ xảy ra trong vài tuần và tháng tới. Tôi sẽ phải chấp nhận nó và cố gắng hết sức” – ông Pistorius nói.
Nhận xét của ông tiếp nối những lời chỉ trích từ những người khác vào cuối tuần qua.
Chủ tịch Hiệp hội Binh sĩ quân đội Đức, André Wüstner cho hay, những quân nhân mà ông nói chuyện đều “ngạc nhiên” trước số tiền này.
Ông Wüstner nói: “Không ai có thể ngờ rằng ngân sách quốc phòng lại thiếu hụt đến vậy. Cần có những điều chỉnh lớn để trên thực tế, quân đội Đức có khả năng đáp ứng các yêu cầu của NATO và ngăn chặn Nga một cách hiệu quả”.
Các cuộc đàm phán ngân sách đã bị đình trệ phần lớn do sự phản đối kiên quyết của Bộ trưởng Tài chính Christian Lindner, một thành viên của Đảng Dân chủ Tự do có quan điểm diều hâu về tài chính, đối tác nhỏ nhất trong chính phủ liên minh của Thủ tướng Scholz.