Hành trình phi thường khép lại
Viết về việc Alessandro Michele chính thức từ chức giám đốc sáng tạo của Gucci, L’OFFICIEL USA nhận định, kể từ khi nắm quyền năm 2015, Michele đã đổi mới thương hiệu lâu đời của Italia. Nhà thiết kế là người chịu trách nhiệm cho doanh thu tăng vọt theo cấp số nhân của Gucci và đưa chúng ta đến vũ trụ huyền diệu, tân lãng mạn của ông thông qua những thiết kế theo chủ nghĩa tối đa, độc đáo và quyến rũ hiện được coi là tinh túy của Gucci.
Khi chia tay, Michele mở đầu với lời hoa mỹ đặc trưng: “Đôi khi con đường rẽ lối vì những quan điểm khác nhau của mỗi người chúng ta. Hôm nay, đối với tôi, một hành trình phi thường đã khép lại, hành trình dài hơn 20 năm, trong một công ty mà tôi đã cống hiến không mệt mỏi bằng tất cả tình yêu và niềm đam mê sáng tạo của mình”.
Chính Gucci cũng thừa nhận, Alessandro Michele “đóng một vai trò cơ bản trong việc tạo nên thương hiệu như ngày nay thông qua sự sáng tạo đột phá của ông trong khi vẫn trung thành với những quy tắc nổi tiếng của nhà mốt”. Chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của Kering – tập đoàn sở hữu Gucci – ông Francois-Henri Pinault nhấn mạnh, “con đường mà Gucci và Alessandro cùng nhau đi trong nhiều năm là độc nhất vô nhị và sẽ mãi là khoảnh khắc nổi bật trong lịch sử của nhà mốt”.
Michele gia nhập studio thiết kế Gucci năm 2002 sau thời gian làm nhà thiết kế phụ kiện cao cấp tại Fendi. Ông được bổ nhiệm làm cấp phó cho giám đốc sáng tạo Frida Giannini vào năm 2011 và đến năm 2014, ông nhận thêm trách nhiệm giám đốc sáng tạo của thương hiệu đồ sứ Richard Ginori mà Gucci mua lại năm 2013. Michele chính thức được bổ nhiệm làm giám đốc sáng tạo của Gucci vào tháng 1.2015, và nhanh chóng tái tạo hình ảnh của nhà mốt này bằng phong cách phi giới tính – để những người nổi tiếng như Harry Styles và Jared Leto diện đồ có ngọc trai và giày cao gót – đầy khác biệt so với người tiền nhiệm.
Cây viết Elizabeth Paton và Vanessa Friedman của New York Times nhận định, nhà thiết kế sinh trưởng tại Rome đã có công lao biến đổi Gucci một cách chóng vánh “từ một biểu tượng lụi tàn của sự hào nhoáng sang trọng từ thập niên 2000” thành nhà cung cấp những sản phẩm thể hiện cuộc đối thoại văn hóa rộng lớn hơn về giới tính, bản dạng giới tính và chủng tộc. Chung nhận định này, The Business of Fashion cho hay, Alessandro Michele là sự lựa chọn bất ngờ cho vai trò giám đốc sáng tạo của Gucci và là người đã “tái tạo sức sống cho nhà mốt lịch sử chỉ trong vài tháng”. Tạp chí danh tiếng Vogue nhận định, nhà thiết kế người Italia Alessandro Michele đã có thành công vang dội trong những năm đảm nhận vai trò giám đốc sáng tạo. Việc bổ nhiệm ông cho vai trò này “đã đảo ngược vận mệnh của nhãn hiệu di sản Italia và thay đổi diện mạo của thời trang”.
Với thế giới bên ngoài, Alessandro Michele là nhà thiết kế gần như vô danh cho tới khi Chủ tịch kiêm giám đốc điều hành Gucci Marco Bizzarri bổ nhiệm ông làm giám đốc sáng tạo vào đầu năm 2015. Vogue nhớ lại, khi yêu cầu phỏng vấn ban đầu được gửi đi, tạp chí phải đợi “nhà thiết kế tóc xù” trải qua khóa đào tạo về truyền thông. Nhưng nếu ấn tượng ban đầu về Michele là gương mặt đại diện nhút nhát hoặc miễn cưỡng thì thành quả ông tạo ra lại ngược lại, có tác động ngay lập tức. Sản phẩm gây tiếng vang đầu tiên của ông ra mắt sàn diễn dành cho phụ nữ vào mùa thu năm 2015. Tầm nhìn độc đáo của Michele, đã hớp hồn những nhân vật nổi tiếng như: Jared Leto, Dakota Johnson, Billie Eilish và Harry Styles. Ở ông ấy, có lẽ họ nhìn thấy một tâm hồn đồng điệu, theo Vogue.
Tinh thần lãng mạn và phi giới tính của Michele đã ảnh hưởng đến hàng loạt nhà thiết kế khác và nhiệm kỳ của ông tại Gucci đã giúp thương hiệu thu hút khách hàng trẻ và đa dạng hơn từ khắp thế giới. Tầm nhìn mới của ông giúp Gucci lan tỏa trong ngành thời trang và mang về cho tập đoàn xa xỉ Pháp hàng chục tỉ USD. Kering sở hữu Saint Laurent và Balenciaga, cùng loạt thương hiệu xa xỉ khác nhưng Gucci có lợi nhuận cao nhất, chiếm 2/3 lợi nhuận của tập đoàn. Gucci đạt doanh thu gần 10 tỉ euro vào năm 2021 và nhà thiết kế Michele cùng giám đốc điều hành Marco Bizzarri thực sự đã được ghi công lao cho thành quả này.
Trò chơi “chiếc ghế âm nhạc” tái khởi động
“Nhưng trong thời trang, ngay cả những ngôi sao rực rỡ nhất cũng không tỏa sáng mãi mãi” – Vogue lưu ý. Thật không may cho nhà thiết kế sinh ra ở Rome, ánh hào quang bắt đầu phai nhạt. Một số ý kiến cho rằng các thiết kế của Michele thiếu sự mới mẻ và hấp dẫn, số khác cho rằng ảnh hưởng kéo dài của đại dịch đã làm giảm chi tiêu ở thị trường Châu Á.
Chuyên gia Luca Solca của công ty nghiên cứu Sanford C. Bernstein, nêu trong tài liệu gửi các nhà đầu tư, rằng: “Gucci đang phải chịu đựng “sự mệt mỏi thương hiệu” và người tiêu dùng mua sớm, đặc biệt là người Trung Quốc, cảm thấy nhàm chán”. Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của thị trường Trung Quốc đối với hàng xa xỉ phương Tây và nói thêm: “Để tăng tốc trở lại, hãng cần mở ra một chương sáng tạo mới. Chúng ta nên ghi công Kering vì họ biết mình đang làm gì, mà bằng chứng là họ đã hồi sinh thành công những thương hiệu mờ nhạt trong quá khứ một cách có hệ thống”.
Trước khi tin Alessandro Michele rời Gucci chính thức được phát ra, WWD dẫn lời nhiều nguồn tin đáng tin cậy ở Milan tiết lộ, nhà thiết kế được yêu mến với những sáng tạo kỳ lạ, phi giới tính rời hãng do Chủ tịch kiêm giám đốc điều hành Kering Pinault đang tìm cách thay đổi tốc độ cho Gucci, giống như cách ông đã làm với nhà thiết kế Daniel Lee tại Bottega Veneta vào tháng 11.2021. “Michele được yêu cầu bắt đầu một sự thay đổi thiết kế mạnh mẽ” – một nguồn giấu tên nói, nhưng ông không thể đáp ứng yêu cầu. Thêm vào đó, Michele cũng ở thế bất lợi hơn nữa khi “tuần trăng mật với Bizzarri đã kết thúc và mối quan hệ không còn bền chặt như trước”.
Thay đổi đường đột và không ủy mị đã trở thành phong cách tại Kering. Đây là lần thứ ba ông Pinault đột ngột đổi hướng đi cho Gucci. Lần đầu tiên là năm 2004, khi ông chia tay Tom Ford và Domenico De Sole và lần thứ hai vào năm 2014, khi ông sa thải nhà thiết kế Frida Giannini và giám đốc điều hành Patrizio di Marco.
Đây cũng không phải là lần đầu tiên Pinault cải tổ bất ngờ với một trong những thương hiệu chủ chốt của Kering. Ông từng gây gây chấn động giới thời trang khi chỉ định nhà thiết kế mới nổi Demna làm giám đốc nghệ thuật của hãng Balenciaga danh tiếng vào năm 2015 và sau đó lại gây sốc vào năm 2021 khi thông báo về sự ra đi bất ngờ của Daniel Lee tại Bottega Veneta.
Việc Michele rời Gucci diễn ra trong bối cảnh trò chơi “chiếc ghế âm nhạc” mới được khởi động lại trong ngành thời trang xa xỉ, lĩnh vực đang nỗ lực thích nghi sau thảm họa mà đại dịch COVID-19 gây ra với chuỗi cung ứng và bán hàng, theo New York Times. Trước Gucci, tháng 9 năm nay, Burberry thông báo Daniel Lee là giám đốc sáng tạo mới, thay Riccardo Tisci. Tại Bottega Veneta, vị trí giám đốc thiết kế mà Lee để lại được ngôi sao đang lên Matthieu Blazy tiếp quản từ cuối năm 2021. Trong tháng 11, Tom Ford bán thương hiệu mang tên mình cho Estée Lauder. Và sau đó Raf Simons, nhà thiết kế người Bỉ và đồng giám đốc sáng tạo của Prada cùng với Miuccia Prada, cho biết sẽ đóng thương hiệu cá nhân sau 27 năm, báo hiệu những thách thức đối với những tên tuổi độc lập trong làng thời trang.