Thông tin hiện có cho thấy Nga có khả năng có từ 16-18 tiểu đoàn, tương đương với 56 tổ hợp S-400, được triển khai tính tới đầu những năm 2020, theo Newsweek.
S-400 được đưa vào biên chế của quân đội Nga năm 2007, thay thế các hệ thống S-300 cũ. Theo hãng tin nhà nước Nga TASS, đến cuối năm 2015, Nga có 11 trung đoàn tên lửa được trang bị S-400 và có kế hoạch tăng lên 16 trung đoàn vào cuối năm 2016.
Phân tích năm 2018 của tạp chí quốc tế The Diplomat cho thấy, Nga có các kế hoạch dài hạn nhằm xây dựng 56 tiểu đoàn S-400 vào năm 2020.
Tờ báo nhà nước Pravda cho biết, một tiểu đoàn S-400 thông thường bao gồm 8 bệ phóng với 32 tên lửa và có chi phí khoảng 200 triệu USD.
Mỗi bệ phóng có thể mang các loại tên lửa khác nhau với tầm bắn từ 40-400 km và bao gồm radar gắn trên xe tải, trạm chỉ huy di động và nhiều điểm phóng.
Dù là hệ thống phòng không tối tân của Nga, trong quá trình triển khai trên thực địa ở Ukraina, S-400 được cho là dễ bị tổn thương.
Tình báo Anh cho hay, Ukraina có khả năng đã phá hủy ít nhất 4 hệ thống S-400 tầm xa của Nga vào cuối tháng 10.2023, trong đó có 3 hệ thống ở vùng Lugansk.
Ngoài những tổn thất đã được xác nhận, còn có báo cáo về việc bổ sung các hệ thống S-400 bị Ukraina phá hủy hoặc bị hư hại.
Tháng 9.2023, Ukraina tuyên bố tấn công 2 hệ thống S-400 ở Crimea bằng tên lửa chống hạm Neptune. Một tổ hợp S-400 ở Nga cũng bị hư hại do bị tấn công bằng máy bay không người lái.
Newsweek đã thống kê các tổn thất được biết tới hoặc được xác nhận liên quan tới S-400 của Nga gồm:
Ukraina tuyên bố đã phá hủy 2 khẩu đội S-400 ở Crimea vào tháng 9.2022. Nga có 5 khẩu đội S-400 được triển khai ở đây.
Tháng 4.2023, Ukraina tuyên bố đã phá hủy hoặc làm hư hại nghiêm trọng 4 bệ phóng S-400 ở Crimea.
Tháng 10.2023, Ukraina phóng tên lửa ATACMS phá hủy hệ thống S-400 ở tỉnh Lugansk.
Tháng 11.2023, một bản cập nhật tình báo của Anh cho biết Ukraina có khả năng phá hủy ít nhất 4 hệ thống S-400 của Nga trong một tuần.
Ngày 19.4.2024, Ukraina phóng tên lửa ATACMS vào một sân bay của Nga ở Crimea, phá hủy các bệ phóng S-400, 3 radar và hệ thống giám sát trên không Fundament-M.
Ngày 23.4.2024, Ukraina phá hủy radar 92N2 và radar tầm cao 96L6 của hệ thống S-400.
Ngày 28.4.2024, Ukraina phóng nhiều tên lửa ATACMS vào Crimea, phá hủy thêm nhiều hệ thống phòng không S-400.
Ngày 6.5.2024, lực lượng Ukraina đã phá hủy bệ phóng tên lửa S-400 của Nga ở vùng Zaporizhzhia.
Ngày 22.5.2024, Bộ Tổng tham mưu Ukraina báo cáo đã bắn trúng một hệ thống phòng không S-400 khác của Nga nhưng không nêu rõ chi tiết.
Newsweek lưu ý, những thông tin của Ukraina cho thấy hàng chục tên lửa S-400 của Nga đã bị hư hại trong cuộc xung đột.
Những tổn thất này được xem là bước lùi đáng kể với hệ thống phòng không hàng đầu của Nga.
Các chuyên gia quân sự chỉ ra, việc phá hủy các hệ thống này tạo ra những lỗ hổng trong mạng lưới phòng không tích hợp của Nga và Ukraina có thể sẽ tận dụng cơ hội này.
Thêm vào đó, dù S-400 ban đầu vận hành tốt trên thực địa ở Ukraina nhưng những điểm yếu của hệ thống vũ khí này đang lộ ra gần đây mang lại những bài học tiềm năng cho quân đội phương Tây về cách chống lại S-400.
S-400 đã được Nga xuất khẩu sang một số quốc gia, trong đó có Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ.