Gian nan khởi nghiệp
Anh Nguyễn Thanh Tân (1981, ấp Bình Hòa 1, xã Bình Phước, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) là một trong những người trẻ đi đầu khởi nghiệp từ nghề nuôi lươn ở địa phương. Hiện, tổng quy mô trang trại của anh khoảng 2ha, mỗi năm cho ra thị trường 10 triệu con giống với khoảng 20 tấn lươn thương phẩm.
Tuy nhiên, ít ai biết rằng, trước đây, người đàn ông này từng làm giám đốc tại một công ty may của Hàn Quốc ở TPHCM, thu nhập lên đến 25 triệu đồng/tháng. Tình yêu nông nghiệp và khởi nghiệp khiến anh quyết định về quê mở trang trại lươn giống, đồng thời tạo công ăn việc làm cho lao động ở địa phương.
Ngay sau khi có ý định dừng việc, năm 2012, người con đất Long Hồ không ngừng đi tham quan một số cơ sở sản xuất lươn có tiếng tại miền Tây để học hỏi. Về nhà, anh xây dựng 4 bể ximăng để nuôi lươn thử nghiệm. Trong năm đầu tiên, tính sơ sơ anh Tân sở hữu 200kg lươn giống. Nhưng do chưa có nhiều kinh nghiệm, sau 10 tháng, anh lỗ nặng 80 triệu đồng.
“Đợt đầu, tôi mua lươn trôi nổi của người săn bắt ngoài tự nhiên, giống già, tập tính lươn còn hoang dã nên chưa thích nghi môi trường trong hồ nuôi. Kích cỡ, trọng lượng giống không đồng đều, khó chăm sóc nên tỉ lệ hao hụt lớn, hiệu quả nuôi không cao khiến tôi lỗ nặng.
Sau thất bại, tôi đã tìm đến một trung tâm giống ở tỉnh An Giang để tham quan. Được cán bộ thủy sản hướng dẫn quy trình sản xuất và nhân giống lươn, đồng thời, tìm đến một số hộ nuôi và sản xuất lươn giống, được chuyển giao kỹ thuật, đó là tiền đề để tôi phát triển” – anh Tân chia sẻ.
Mua 3.000 con giống về tiếp tục nuôi trong bể, sau 10 tháng, người đàn ông miền Tây bán lươn thịt và bắt đầu có lãi. Giai đoạn này, anh cũng học hỏi qua mạng cách ép và ươm lươn giống.
Từ nguồn lươn thương phẩm, tuyển chọn những con khỏe mạnh để làm bố mẹ. Năm 2017, anh Tân mở rộng cơ sở sản xuất với 5.000 con lươn bố mẹ, cho sinh sản hơn 1 triệu con giống và bán ra thị trường trong nước, thu lãi hơn 1 tỉ đồng.
“Dần quen với tập tính của con lươn, tôi cũng ấp trứng thành công, nhưng ban đẩu chỉ đạt tỉ lệ khoảng 30 – 40%. Kiên trì, bền bỉ giúp tôi tích lũy kinh nghiệm nhiều hơn. Hiện tại, trứng ấp ra đã đạt tỉ lệ 90%” – anh Tân nói.
Tạo việc làm cho người lao động
Với thành công mỹ mãn từ bước đầu, cuối năm 2017, anh Tân tiếp tục tăng cường sản xuất thông qua website và bán được nhiều đơn hàng trong nước và quốc tế.
Điều khiến con lươn của anh Tân được biết đến rộng rãi là do áp dụng công nghệ sinh học an toàn, không sử dụng kháng chính mà thay bằng vi sinh và thực phẩm chức năng với mục đích giúp con lươn thịt đến bàn ăn an toàn. Ngoài ra, những con lươn chất lượng đạt chuẩn còn được vào nhà máy chế biến sâu, lươn cắt khúc, cấp đông.
Kể từ khi mở rộng quy mô, trang trại của anh Tân cũng là nơi làm việc cho nhiều lao động ở địa phương, đặc biệt là những người vùng sâu không có cơ hội ra thành phố.
“Trước đây, khi chưa có trại lươn, tôi làm việc đây đó tự do để kiếm thêm thu nhập. Kể từ khi vào làm việc, chúng tôi có chỗ làm ổn định, cuộc sống đỡ vất vả hơn. Tôi cũng hiểu thêm quy trình nuôi lươn giống nên rất mừng” – chị Lê Thị Thúy (36 tuổi, nhân viên tại trang trại) chia sẻ.
Hiện tại, cơ sở lươn giống đã có hơn 20 lao động với mức thu nhập từ 6 – 8 triệu đồng/người/tháng.
Những ngày gần Tết Nguyên đán 2023, nhu cầu tiêu thụ tăng cao khiến trang trại nuôi lươn miền Tây luôn tất bật. Trong năm 2023, trang trại ước lượng có 10 triệu con giống và phấn đấu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
“Tôi mong muốn sẽ phát triển nghề lươn như nghề nuôi cá tra, nuôi tôm ở miền Tây. Làm thế nào để có một sản phẩm đặc trưng của địa phương cho bà con tập trung sản xuất và đẩy mạnh kinh tế của tỉnh. Có như vậy, nông dân mới mong thoát nghèo” – anh Tân chia sẻ thêm.