Trung Quốc đang thâm nhập sâu hơn vào lĩnh vực dầu khí của Iraq bằng cách ký một thỏa thuận ban đầu giữa liên doanh Trung Quốc – Iraq với Công ty Dầu mỏ Midland thuộc sở hữu nhà nước của Iraq để phát triển mỏ khí đốt Mansuriya.
Reuters trích dẫn tuyên bố của Bộ Dầu mỏ Iraq hôm 20.5 cho biết, mỏ Mansuriya dự kiến sẽ sản xuất 100 triệu feet khối khí tiêu chuẩn trong khoảng thời gian 18 tháng và 300 triệu feet khối trong khoảng thời gian 4-5 năm.
Liên doanh nói trên bao gồm công ty Gereh của Trung Quốc và Petro Iraq.
Đầu tháng 5, các công ty Trung Quốc đã thắng bốn gói thầu thăm dò dầu khí ở Iraq trong 29 dự án được đấu thầu.
Iraq đang cố gắng tăng sản lượng để sử dụng dầu và khí đốt trong nước, đặc biệt là giảm sự phụ thuộc vào khí đốt của Iran.
Trung Quốc là bên thắng thầu duy nhất trong các cuộc đấu thầu ở Iraq, giành được 9 mỏ dầu và khí đốt vào tuần trước. Một công ty của người Kurd ở Iraq giành được 2 mỏ và không có công ty dầu mỏ lớn nào của Mỹ tham gia.
Tổng Công ty Dầu khí Ngoài khơi Trung Quốc (CNOOC) – gã khổng lồ thăm dò dầu khí của Trung Quốc – đã thắng thầu phát triển Lô 7 trên đất liền ở miền trung và miền nam Iraq, trong khi Tập đoàn Hóa dầu Sinopec của Trung Quốc cũng thắng thầu 4 mỏ dầu, bao gồm Abu Khaymah, Dhufriya, Wasit và Summer.
Năm 2019, Baghdad và Bắc Kinh đã ký thỏa thuận “Dầu để tái thiết và đầu tư”, mở ra cánh cửa cho các công ty Trung Quốc đầu tư vào cơ sở hạ tầng của Iraq để đổi lấy dầu.
Kể từ đó, các công ty Trung Quốc đã tiến gần đến hoàn thành việc xây dựng nhà máy lọc dầu công suất 300.000 thùng/ngày tại Cảng Faw quan trọng của Iraq, trong nỗ lực tạo ra “một phần của quốc gia khách hàng Lưỡng Hà khổng lồ” dự kiến bao gồm cả Iran.