Trong hơn 2 năm kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraina khiến giá khí đốt tăng vọt, Equinor đã từng bước thống trị thị trường khí đốt châu Âu.
Theo Bloomberg, Na Uy hiện cung cấp 30% lượng khí đốt của châu Âu trong khi Gazprom cung cấp khoảng 35% tổng lượng khí đốt của châu Âu trước chiến sự Ukraina.
Và trong số hơn 109 tỉ mét khối khí đốt mà Na Uy xuất khẩu sang châu Âu vào năm ngoái – đủ để cung cấp năng lượng cho Đức đến năm 2026 – khoảng 2/3 được Equinor tiếp thị và bán.
Chừng nào châu Âu còn tiếp tục phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu hóa thạch thì hydrocarbon của Na Uy sẽ rất cần thiết để duy trì hoạt động ở châu lục này.
Irene Rummelhoff, người đứng đầu bộ phận tiếp thị và sản xuất của Equinor cho biết, tầm nhìn của công ty đã thay đổi đáng kể khi khí đốt Nga giảm. “Đã có lúc châu Âu gần như coi chúng tôi là điều hiển nhiên. Điều này không còn phải bàn cãi nữa” – Rummelhoff nói.
Sự nổi lên của Equinor cũng đặt ra câu hỏi về việc liệu các nước châu Âu có một lần nữa đối mặt rủi ro khi phụ thuộc quá nhiều vào một nhà cung cấp duy nhất hay không.
Mặc dù Na Uy được coi là đối tác thương mại ổn định với lịch sử lâu dài và nhất quán trong việc cung cấp năng lượng cho châu Âu, nhưng tình trạng mất điện kéo dài và việc xử lý các thách thức bảo trì – cả hai đều ảnh hưởng đến giá năng lượng – đã gây ra những tác động lan tỏa khắp lục địa.
Thina Margrethe Saltvedt, nhà phân tích trưởng về tài chính bền vững tại Nordea Bank Abp, cho biết một phần vận may của công ty có được nhờ sự thay đổi rộng rãi hơn trong mối quan hệ của châu Âu với nhiên liệu hóa thạch.
Bà nói, 5 năm trước, có rất nhiều cuộc thảo luận về quá trình chuyển đổi xanh và bắt đầu chứng kiến sự suy thoái của ngành dầu khí. Sau đó, COVID-19 và cuộc chiến ở Ukraina xảy ra. Giờ đây, trọng tâm đã chuyển sang an ninh năng lượng.
Quan điểm cho rằng khí đốt sẽ không sớm biến mất đã khiến Na Uy trở thành trung tâm của cuộc thảo luận về việc đảm bảo các nguồn năng lượng của châu Âu.
Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck – người cũng phụ trách chính sách khí hậu tại nền kinh tế lớn nhất châu Âu – đã có chuyến thăm chính thức tới Oslo vào đầu tháng 1.2023. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen hai tháng sau đó đã tới mỏ khí đốt Troll của Na Uy, nơi cung cấp 10% nguồn cung của lục địa.
Cao ủy EU về năng lượng Kadri Simson cũng đã đến thăm Na Uy 2 lần trong 2 năm qua. Phát biểu tại một sự kiện ở thủ đô Na Uy vào tháng 3, bà Simson nói với một hội trường đầy giới tinh hoa dầu khí của đất nước rằng “EU tiếp tục tin tưởng Na Uy như một đối tác về các nguồn năng lượng thông thường” và đánh giá cao sự giúp đỡ của nước này trong cuộc khủng hoảng năng lượng.
Do giá khí đốt của Na Uy cao hơn giá của Nga nên đã có một số ý kiến bất bình về việc Na Uy được hưởng lợi sau khi xuất khẩu của Nga sụt giảm. Nhưng những lời chỉ trích đã giảm bớt khi chính phủ và thương nhân chấp nhận các điều kiện thị trường mới.
Na Uy, nước không phải thành viên EU, chưa bao giờ ngại ngùng về tầm quan trọng của khí đốt, từ lâu đã ủng hộ rằng khí đốt nên đóng vai trò trung tâm trong quá trình chuyển đổi xanh của khối – và hiện họ đang tìm kiếm những đối tác sẵn sàng hơn.
Vào cuối tháng 4, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cảm ơn Na Uy vì đã giúp Berlin trở nên độc lập với khí đốt của Nga “chỉ trong vòng vài tháng” và ca ngợi nước này là “đối tác hoàn hảo” để đảm bảo nguồn cung cho Đức và châu Âu.
Vai trò mới của Na Uy là nhà cung cấp khí đốt cho châu Âu đã mang lại lợi nhuận rất cao – xuất khẩu khí đốt đạt mức cao kỷ lục 130 tỉ USD vào năm 2022, nhưng điều này cũng đặt ra dấu hỏi về tương lai xanh của Na Uy.